Thực hiện các chủ trương về phát triển, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể (KTTT) của Đảng, Chính phủ và các cấp hội, ngành, những năm qua, các cấp Hội Nông dân Thành phố đã tập trung tuyên truyền vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành Thành phố tổ chức nhiều hội nghị tọa đàm, diễn đàn, hội thảo về phương pháp vận động nông dân tham gia phát triển mô hình KTTT, THT, HTX; xây dựng mô hình chuỗi liên kết, chuỗi giá trị.
Chia sẻ tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII vừa tổ chức, bà Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội cho biết: Từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội nông dân của Thủ đô đã vận động, hướng dẫn xây dựng được 832 mô hình kinh tế có hiệu quả với 25.126 hộ tham gia; vận động, hướng dẫn thành lập được 25 HTX, 611 THT trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản và kinh doanh dịch vụ với trên 9.500 thành viên tham gia. Một số HTX tiêu biểu như: HTX sản xuất mộc dân dụng tại xã Liên Hồng, Tân Lập, huyện Đan Phượng; HTX chăn nuôi gà đẻ trứng sạch tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh; sản xuất các giống cây có múi và trồng bưởi đường Quế Dương, huyện Hoài Đức; trồng rau sạch, rau an toàn ở các huyện Phúc Thọ, Gia Lâm, Đan Phượng, Chương Mỹ... Một số HTX nông nghiệp đã ứng dựng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững như HTX rau quả sạch Chúc Sơn huyện Chương Mỹ, HTX rau Cuối Quý huyện Đan Phượng...
Các cấp Hội cũng đã tuyên truyền vận động, hướng dẫn nông dân xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP. Tiêu biểu như mô hình trồng cây ăn quả, rau an toàn tại các xã Đại Thịnh, Tráng Việt của huyện Mê Linh; xã Văn Đức, Yên Viên của huyện Gia Lâm; xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì; trồng dưa chuột Ba Lăng, huyện Thường Tín; trồng hành lá tại xã Võng Xuyên, chăn nuôi vịt thương phẩm tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; nuôi gà lấy trứng tại các xã Khai Thái, Hồng Thái, huyện Phú Xuyên; trồng dưa lưới tại các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín...
Bà Hoa cho biết thêm, các THT, HTX đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý mới hiệu quả trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện cùng có lợi. Đồng thời, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.
Để tạo điều kiện cho các mô hình phát triển sản xuất từ năm 2019 đến nay, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố đã chỉ đạo các cấp Hội Nông dân trên địa bàn Thành phố triển khai cho vay 499 dự án từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân xây dựng các Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp và 157 dự án vay vốn xây dựng các mô hình KTTT, THT, HTX với số tiền 336.207 triệu đồng cho 7.891 hộ vay.
Các cấp Hội cũng đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về kỹ năng thông tin, thị trường, khoa học, kỹ thuật công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến. Đồng thời hướng dẫn các huyện, thị Hội xây dựng được 25 gian hàng giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn. Tổ chức 7 gian hàng quảng bá, giới thiệu nông sản tại các hội chợ, triển lãm do các tỉnh, thành phố và Hà Nội tổ chức; 62 gian hàng tham gia trình diễn, giới thiệu tại các diễn đàn, hội thảo, toạ đàm về sản xuất nông nghiệp an toàn, xây dựng mô hình chuỗi liên kết, xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm do Hội Nông dân Thành phố tổ chức.
Qua công tác tuyên truyền vận động, các hội viên nông dân đã nhận thức rõ việc phát triển kinh tế tập thể nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động của THT, HTX, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. Cùng với đó là mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết với các loại hình kinh tế khác, từ đó khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của Hội Nông dân trong phát triển KTTT góp phần quan trọng trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.