Hà Nội là loại đô thị đặc biệt, song ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng. Trong số 30 quận, huyện, thị xã của thành phố, vẫn còn 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận có sản xuất nông nghiệp. Do đó, trong trung hạn cũng như dài hạn, phát triển ngành nông nghiệp vẫn là ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

Phát triển nông nghiệp thông minh đang là xu hướng tất yếu đối với sản xuất nông nghiệp trên thế giới và Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Đến nay, thành phố có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (105 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình về thủy sản và 1 mô hình kết hợp trọt và chăn nuôi). Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Trong đó, công nghệ, thiết bị lựa chọn ứng dụng chủ yếu là thông minh trong việc quản lý, điều khiển môi trường sản xuất, như trồng hoa lan, trồng nấm trong phòng lạnh... giúp giảm nhân công lao động, tăng chất lượng và sản lượng nông sản.

W-nongnghiep.png
Đến nay, thành phố có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (105 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình về thủy sản và 1 mô hình kết hợp trọt và chăn nuôi). 

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, trước áp lực về cạnh tranh, trước những biến động của thời tiết, môi trường.... hạ tầng thông tin được coi là "chìa khoá" thành công cho ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, một trong những nỗ lực của thành phố là phấn đấu đến năm 2025, xây dựng và vận hành thành công Cơ sở dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp.

Kế hoạch số 254/KH-UBND của thành phố Hà Nội hướng đến tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2023-2030.

Mục tiêu chung của kế hoạch là xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.

Cùng với đó, kiểm soát thuốc, vắc xin thú y bảo đảm đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc.

Theo kế hoạch trên, Hà Nội phấn đấu đến năm 2026 có ít nhất 1 vùng chăn nuôi gia cầm cấp xã đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam; Phấn đấu từ 2027 trở đi, TP có ít nhất 1 vùng chăn nuôi gia cầm cấp xã đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đến năm 2025, Hà Nội sẽ xây dựng và vận hành thành công Cơ sở dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp trên địa bàn TP. Đến năm 2030, duy trì vận hành, phát triển Cơ sở dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp trên địa bàn TP và sẵn sàng liên thông với kho dữ liệu Quốc gia. Đồng thời, khai thác có hiệu quả các phần mềm, kho dữ liệu của Bộ NN&PTNT; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin với các tỉnh, TP trong công tác quản lý.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Kế hoạch số 254/KH-UBND đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y, giai đoạn 2023-2030 là một trong những nội dung quan trọng nhất.

UBND TP Hà Nội giao Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung tham mưu, trình ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu quả, đúng quy định pháp luật.