Tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND TP Hà Nội chiều tối nay (4/3), nói về nguồn kinh phí mua vắc-xin Covid-19, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, theo quy định tại Nghị quyết của Chính phủ, có thể đến từ 3 nguồn gồm: ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, hỗ trợ của cá nhân, doanh nghiệp; người sử dụng vắc-xin tự chi trả.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn |
Theo ông Tuấn, ngày 19/2, TP đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tạo điều kiện cho tiếp cận nguồn Covid-19 để tiêm cho người dân, đảm bảo đủ cho người dân Thủ đô trên 18 tuổi, người dân vãng lai cư trú trên địa bàn TP.
Về thời gian tiêm vắc-xin, ông Tuấn cho biết, ngày 24/2, lô vắc-xin đầu tiên đã về đến Việt Nam. Ngày 6/3 tới đây, Bộ Y tế sẽ tổ chức công tác tập huấn tiêm chủng cho toàn bộ hệ thống y tế dự phòng của 63 tỉnh, thành.
“Theo thứ tự ưu tiên của Bộ Y tế, sẽ cấp phát vắc-xin cho 13 tỉnh, thành hiện đang có dịch, trong đó có Hà Nội. Nhưng sẽ ưu tiên số 1 cho Hải Dương, nên lượng vắc-xin cho Hà Nội cũng không phải nhiều.
Ngày tiêm vắc-xin ở Hà Nội cũng phải phụ thuộc vào việc phân bổ của Bộ Y tế. Chúng tôi cũng đã lên danh sách cụ thể cho các đối tượng được ưu tiên tiêm thời gian đầu là những người trực tiếp tham gia trên tuyến đầu chống dịch. TP sẽ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, và theo số lượng vắc-xin được phân bổ”, ông Tuấn nói.
Chưa phát hiện việc bơm nước vào rác
Trong lần đi kiểm tra đột xuất tại xã Nam Sơn và Khu Liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) vào ngày 3/12/2020, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đã giao Công an TP lập chuyên án xem có tiêu cực, sai phạm trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; có việc đổ nước vào rác để tăng khối lượng rác thải, nước rỉ rác không... và xử lý nghiêm nếu có sai phạm.
Ông Phạm Đức Thắng - Phó phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội |
Ông Phạm Đức Thắng - Phó phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ, Giám đốc Công an TP đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường và Phòng Cảnh sát kinh tế tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng theo dõi, giám sát ngay từ các điểm đầu phát sinh, quá trình vận chuyển, xử lý, điểm trung chuyển, tập kết, điểm dừng nghỉ lái xe từ TP lên 2 khu xử lý rác Xuân Sơn, Nam Sơn.
Theo ông Thắng, đến nay chưa phát hiện hiện tượng bơm nước hay trộn các thứ khác để gia tăng khối lượng.
Về biểu hiện tiêu cực trong xử lý rác, hiện Phòng Cảnh sát kinh tế và Phòng Cảnh sát môi trường đang tích cực thu thập tài liệu liên quan, khi có thông tin sẽ cung cấp thêm.
Đề xuất xây 8 trạm bơm dã chiến để cải thiện ô nhiễm sông Nhuệ và sông Tô Lịch
Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, TP đã nhận được nhiều đề xuất về giải pháp cải thiện môi trường sông Tô Lịch, trong đó có phương án bổ cập nước sông Hồng qua hồ Tây rồi chảy vào Tô Lịch.
Thời gian gần đây, với việc Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ giao các đơn vị chức năng tìm phương án đẩy nhanh việc này, cơ quan liên ngành đã khảo sát và đưa ra đề xuất bổ cập nước sông Hồng qua cống Liên Mạc.
Theo ông Thắng, nếu bổ cập qua cống Liên Mạc, phương án này có thể cải thiện ô nhiễm cho cả sông Nhuệ. Trước đây, TP đã có dự án nâng cấp, xây dựng mới cống Liên Mạc, thời gian tới việc này sẽ được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu dự án này được thực hiện sẽ đảm bảo việc tưới tiêu nông nghiệp và bổ cập nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết, đơn vị đang đề xuất xây 8 trạm bơm dã chiến để cải thiện ô nhiễm sông Nhuệ và sông Tô Lịch.
"Liên ngành sẽ nghiên cứu, tìm phương án cải thiện chất lượng nước, bổ cập cho sông Tô Lịch khả thi nhất để tham mưu, trình TP", ông Thắng nói.
Một loạt địa phương thay đổi 'ứng xử' với người Hải Dương sau hết cách ly xã hội
Nhiều địa phương giáp ranh đã nới lỏng quy định hạn chế tiếp xúc với người dân về từ Hải Dương, sau khi tỉnh này dừng cách ly xã hội.
Hương Quỳnh