Trong tháng 7/2021, trên địa bàn Hà Nội đã phát sinh dịch cúm A/H5N8 ở 02 hộ tại xã Cẩm Lĩnh và xã Ba Trại, huyện Ba Vì. Tổng số gia cầm tiêu hủy 2.528 con gà. Hiện 02 ổ dịch này chưa qua 21 ngày vẫn được tiếp tục theo dõi, giám sát và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, từ đầu năm tới tháng 8/2021, Hà Nội đã xảy ra cúm gia cầm tại 35 hộ thuộc 18 xã,10 huyện là Gia Lâm, Hoài Đức, Phú Xuyên, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì, Mê Linh, Chương Mỹ, Thường Tín và Quốc Oai. Tổng số gia cầm tiêu hủy là 69.767 con.
Tổ chức tẩy uế môi trường, ngăn chặn lây lan dịch bệnh. |
Trước tình hình này, ngành chăn nuôi thành phố Hà Nội đã đề ra các giải pháp cụ thể phòng chống cúm gia cầm và cúm A/H5N8.
Chỉ đạo tất các quận, huyện thị xã thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Tăng cường kiểm tra việc vận chuyển lưu thông, đặc biệt việc vận chuyển lưu thông gia cầm về chợ Hà Vĩ (Thường Tín), các chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông.
Xử lý nghiêm các vi phạm trong việc vận chuyển lưu thông, không chấp hành các biện pháp kỹ thuật, không khai báo chăn nuôi, không khai báo dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh, đặc biệt tại các khu vực có chăn nuôi gia cầm lớn như huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Đông Anh....
Phát hiện kịp thời các ổ dịch để có biện pháp khống chế ngay, không để phát sinh. Mạng lưới thú y cơ sở là lực lượng quan trọng hàng ngày thực hiện nhiệm vụ này. Trường hợp phát hiện, hộ dân báo có dịch trên đàn vật nuôi phải thực thi nhiệm vụ ngay (kể cả trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19) để xử lý không để dịch lây lan rộng.
Tổ chức tổng tẩy uế môi trường toàn thành phố, trong đó tập trung cao độ ở các huyện có chăn nuôi gia cầm lớn, các khu vực lây nhiễm cao, các bãi rác, chợ có kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.
Tổ chức tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm cho toàn đàn gia cầm sinh sản, khuyến cáo để người dân thực hiện tiêm phòng cho đàn gia cầm thương phẩm tạo miễn dịch chủ động.
Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh ngay tại hộ. Đây là một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả bởi hơn lúc nào hết, kể cả thời gian phải giãn cách xã hội, người chăn nuôi vẫn là chủ thể để thực hiện biện pháp kỹ thuật ngay tại chuồng nuôi để không để dịch xảy ra.
Bạch Hân