Chiều 14/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định về việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn. Các biện pháp này thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô 2024.

Đánh giá về dự thảo nghị quyết, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý cơ quan soạn thảo cần làm rõ thực trạng vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, phòng cháy… để thấy rõ sự cấp thiết ban hành nghị quyết. Đồng thời cần có chế tài xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi cung cấp điện, nước cho trường hợp vi phạm.

nguyen tien dinh 90923.jpeg
TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Quang Phong

Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, khoảng thời gian từ lúc lập biên bản công trình vi phạm đến thời điểm ra quyết định cắt điện, nước (dự thảo đề xuất 6-7 ngày) là quá dài. Bởi nhiều công trình vi phạm chỉ trong 1 đêm là xây dựng xong. Do đó cần rút ngắn thời gian ra quyết định để ngăn chặn hành vi vi phạm từ đầu, không để xảy ra nghiêm trọng hơn.

Đáng chú ý, đối với công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời, ông Dĩnh đề nghị bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế.

“Công trình thuộc trường hợp khẩn cấp và nguy hại đến tính mạng tiếp tục cho ở, chỉ cắt mỗi điện, nước thì có khi người vi phạm vẫn cứ ở. Trong khi đó, cơ quan chức năng đã thuyết phục, có quyết định rồi nhưng họ không di dời thì biện pháp khẩn cấp phải là cưỡng chế”, ông Dĩnh phân tích.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trong luật đề cập rõ việc được cung cấp điện nước là quyền của người dân. Điều này nâng cao chất lượng đời sống người dân, thể hiện trách nhiệm của nhà nước. Do đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn các trường hợp áp dụng phải là “trường hợp cần thiết”.

IMG_45F1B66B22D2 1.jpg
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. Ảnh: Quang Phong

“Trong dự thảo không đề cập đến khái niệm thế nào là trường hợp cần thiết, mà kể ra thì vô vàn”, ông Nghiêm cho hay.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến phù hợp quy định để hoàn thiện nghị quyết.

Theo bà Nguyễn Lan Hương, điều đáng quan tâm nhất là việc thực hiện nghị quyết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội rất đồng tình với yêu cầu tăng cường thanh tra giám sát, thậm chí tận chân công trình.

“Có rất nhiều bộ phận, lực lượng liên quan ở cơ sở có trách nhiệm trong khâu tổ chức thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính. Chúng tôi sẽ có ý kiến với thành phố về tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, trau dồi ý thức trách nhiệm của lực lượng cán bộ liên quan”, bà Nguyễn Lan Hương nói.

Dự kiến, ngày 19/11, tại kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 19), HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét, cho ý kiến về nghị quyết này.

Nghị quyết quy định một số trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, gồm:

- Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung trong giấy phép, công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng…

- Nhóm công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu về PCCC mà đã đưa vào hoạt động; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC.

- Nhóm công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền.