- "Được va chạm với những văn minh nhất của kĩ thuật thanh nhạc trong opera, nên tôi rất tự tin để làm nghề"

TIN BÀI KHÁC


Thạc sĩ Hà Phạm Thăng Long hiện được xem là giọng nữ cao (soprano) nổi bật của thanh nhạc Việt Nam, được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao. Sinh năm 1975, nữ ca sĩ người dân tộc Mường cũng là nghệ sĩ duy nhất từng chính thức được mời tham dự cuộc thi opera tại Mỹ (năm 2004).

Hà Phạm Thăng Long đã từng vào vai chính trong các vở nhạc kịch được dàn dựng tại Việt Nam, hay hát cùng những giọng ca quốc tế trong các chương trình lớn. Năm 2012 tiếp tục là một năm quan trọng trong sự nghiệp của Thăng Long khi chị được chọn vào vai "Cô Sao" - không nằm ngoài dự đoán của nhiều người.

Lần đầu tiên ở thế hệ của chị, một vở opera Việt Nam được dàn dựng và chị vào vai chính. Chị đã chuẩn bị đêm diễn sắp tới trong vai "Cô Sao" như thế nào?

- Tại buổi họp báo ra mắt "Cô Sao", nhà báo thắc mắc về chất lượng ca sĩ đã khiến tôi phải suy nghĩ. Có thể nhiều người chưa quan tâm đến opera hiện nay ở Hà Nội, chưa có nhiều dịp đi nghe các vở mà nhà hát đã dàn dựng, nên chưa biết chất lượng ca sĩ như thế nào. Hy vọng đợt trình diễn "Cô Sao" sắp tới sẽ là câu trả lời chính xác nhất cho những người chưa biết về opera Việt Nam.

"Cô Sao" được diễn lần thứ 3, phiên bản năm 2012

Nếu nói một vở nhạc kịch tiếng Việt sẽ không phức tạp như tác phẩm nước ngoài thì chưa đúng. Nó có những khó khăn riêng mà chúng tôi phải cần rất nhiều nỗ lực để giải quyết.

Nhạc kịch có rất nhiều nốt cao, mà tiếng Việt của mình thì có nhiều âm đóng. "Cô Sao"" đúng với tiêu chuẩn của một vở opera thông thường, hát rất cao, đến tận nốt Si. Để hát đến nốt Si bằng tiếng Việt - với âm đóng - là rất khó khăn. Tôi phải vận dụng những kĩ thuật đã được học trong trường để giải quyết công việc. Trong thời gian rất ngắn gần đây, cả nhóm đã luyện tập rất vất vả về âm nhạc và dàn dựng sân khấu.

Chị có nghe tham khảo của những nghệ sĩ đi trước đã hát "Cô Sao" như Lê Dung, Thúy Hà hay Ngọc Dậu...? Và có thấy cách hát nào gần với mình?

- Sự gần gũi thể hiện ở chỗ những nghệ sĩ đó đều là người Việt Nam, sử dụng cách hát của người Việt, cách phát âm tiếng Việt. Họ hát bằng âm nhạc Việt Nam. Đi sâu hơn thì mỗi ca sĩ cũng có cái khác nhau trong phát âm, nhưng nói chung về kỹ thuật thanh nhạc sẽ có điểm chung và tương đối giống nhau.

Tuy nhiên, dù cùng hiểu về nghĩa của ca từ như nhau vẫn sẽ đưa đến cảm xúc khác, tùy vào cá nhân nghệ sĩ. Tôi thấy mỗi người có một cái hay riêng và đó cũng là điều làm nên sự khác biệt.

Khi diễn vở "Trường học tình yêu" gần đây, chị đã thể hiện phong độ tuyệt vời với giọng hát, nhưng diễn xuất thì dường như Mạnh Dũng và Vành Khuyên gây ấn tượng hơn? Chị có nghĩ mình cần hoàn thiện về diễn xuất?

- Có thể bạn chưa hiểu về nhân vật. Trong "Trường học tình yêu", vai của Vành Khuyên đóng cần được thể hiện như thế nào, và vai của tôi cần thể hiện như thế nào? Tôi không chủ quan tự khẳng định là mình đã diễn tốt, nhưng phải hiểu tính cách nhân vật của tôi đảm nhiệm là gì. Tôi dám khẳng định rằng mình đã thể hiện đúng tính cách của nhân vật ấy.

Cá nhân chị cảm nhận như thế nào về tính cách nhân vật cô Sao?

- A Sao là một cô gái trẻ, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Theo tôi hiểu về kịch bản thì không đề cập đến nhân vật người bố. Do mồ côi nên cách sống của cô có gì đó âm thầm lặng lẽ. Tính cách của cô ấy mềm mại, không phải quá sôi nổi.

Hà Phạm Thăng Long

Vị trí của chị trong opera Việt Nam rất nổi bật, không ít người cho rằng giọng hát của chị có tầm cỡ khu vực. Tuy vậy, chị không ra nước ngoài tập luyện. Chị đã rèn luyện trong nước như thế nào?

- Tôi không ra nước ngoài học tập, nhưng có những chuyên gia từ nước ngoài đến đây (như bà Ann Corrigan, Marjorie Tall...). Đó là một điều rất may mắn và thuận lợi. Cá nhân tôi hay nhà nước không phải mất tiền đào tạo mà các chuyên gia đã đến với mình, dạy miễn phí. Tôi cũng được va chạm với những văn minh nhất của kĩ thuật thanh nhạc trong opera, nên tôi rất tự tin để làm nghề.

Cụ thể sự "va chạm" ở đây là gì?

- Họ đến huấn luyện trong những lớp masterclass, từ 3 đến 4 tháng. Những lớp học đó tôi đều được tham gia. Người giảng dạy đều là những giáo sư thanh nhạc rất giỏi đến từ Canada, Mỹ. Các nghệ sĩ Đức, Pháp cũng có. Tuy không nhiều nhưng mình cũng được va chạm và mình đủ kiến thức để làm nghề, ít nhất là trong nước. Tôi cũng có thời gian được mời ra nước ngoài làm việc, làm vở ở nước ngoài.

Tần suất diễn opera hiện nay ở Việt Nam có làm thỏa mãn niềm đam mê đứng trên sân khấu của chị?

- Mình không thể so sánh tần suất diễn với nước ngoài vì đời sống vật chất của mình chưa bằng người ta. Nhưng nhìn vào điều kiện hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi cũng đã là may mắn. Ngoài một số vở opera được dựng, còn các buổi hòa nhạc trình diễn các aria (ca khúc trong opera) và đại hợp xướng để ca sĩ được hát trên sân khấu.

Xin cảm ơn chị và chúc "Cô Sao" của Việt Nam sẽ thành công!

  • Hồ Hương Giang