Gỡ “nút thắt”
Ngày 11/11/2020, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tại cuộc họp về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam và các doanh nghiệp.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các chính sách về thuế, tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Một trong những “nút thắt”, làm ảnh hưởng đến sự phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, đó là các chính sách về thuế, trong đó có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, chưa đủ hấp dẫn, để thực sự khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô được xác định, có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, là một trong những động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giúp Việt Nam tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, cần có sự đột phá về các chính sách thuế, tín dụng để tháo gỡ các nút thắt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển. Đây chính là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Một nguồn tin cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, sắp tới Tổ công tác về ô tô sẽ được thành lập, do Bộ Tài chính chủ trì với các thành viên thuộc các Bộ Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước…để xây dựng các chính sách về thuế, tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Một trong những chính sách quan trọng sẽ được xem xét là thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho ô tô. Hiện tại mức thuế này cao, đã hạn chế người dân sử dụng ô tô, khiến cho sản xuất ô tô không phát triển. Bên cạnh đó, là nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô. Cùng với đó, là xây dựng các gói tín dụng ưu đãi, dành cho công nghiệp hỗ trợ ô tô (sản xuất linh kiện), tín dụng hỗ trợ cho khách hàng mua ô tô sản xuất lắp ráp trong nước…
Bộ Công Thương cho biết, sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải,... nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong khu vực và một số nước trên thế giới có nền công nghiệp ô tô phát triển, đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
“Dài cổ” ngóng chờ
Trước đó, tại Nghị quyết 115 NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, ban hành ngày 6/8/2020, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính sớm sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (cụ thể là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô tô, trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10 xem xét. Tuy nhiên, kỳ họp thứ 10 đã diễn ra, nhưng chính sách này vẫn chưa thấy trình.
Đề xuất điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước, vào giá trị tính thuế đối với ô tô, sẽ giúp cho giá thành ô tô sản xuất lắp trong nước giảm, qua đó giảm giá bán và tăng sản lượng, được Bộ Công thương đưa ra từ năm 2017, được các doanh nghiệp ủng hộ và chờ đợi, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi Việt Nam mở cửa cho ô tô nhập khẩu tràn vào thì hỗ trợ ô tô trong nước bàn mãi vẫn chưa thông.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đưa nhận định: giá ô tô Việt Nam cao gấp 2 lần so với các nước như Thái Lan, Indonesia và con số này còn lớn hơn, nếu so với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản,... Nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe trong nước tăng cao là do thuế, phí cao, trong khi sản lượng tích lũy thấp. Giá xe quá cao trong khi thu nhập của người dân thấp, khiến ô tô là mặt hàng xa xỉ với trên 95% người dân Việt Nam. Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô không phát triển được, ảnh hưởng đến mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu câu hỏi, vì sao giải pháp về thuế tiêu thụ đặc biệt đã được Bộ Công thương đề xuất từ lâu, song vẫn chưa thực hiện? Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải pháp này cũng đang được một số nước ASEAN áp dụng. Mặc dù có thể gây quan ngại về các cam kết quốc tế, nhưng là biện pháp hữu hiệu nhất, để nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước và khuyến khích các hãng xe nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu được ưu đãi miễn toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt cho những linh kiện sản xuất trong nước thì giá sẽ giảm từ 10-30% tùy tỷ lệ nội địa hóa của từng mẫu xe. Ngoài ra nếu các doanh nghiệp sản xuất linh kiện được vay vốn ưu đãi, được hỗ trợ hạ tầng, ưu đãi thuế,.... cũng giúp chi phí sản xuất giảm. Cùng với đó, người dân lại được hỗ trợ lãi vay khi mua xe sản xuất lắp ráp trong nước, thì sẽ có thêm nhiều người có khả năng tiếp cận với ô tô, giúp tăng sản lượng và sản xuất phát triển.
Trần Thủy