Chỉ số SIPAS và PAPI tăng hạng ấn tượng

Năm 2020, tỉnh Hà tĩnh ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội về cả chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Theo đó, mặc dù chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) 2020 của Hà Tĩnh giảm 4 bậc so với năm 2019, xếp thứ 16 trên cả nước với 85,31/100 điểm; nhưng chỉ số SIPAS của tỉnh đạt 8,92/10 điểm (tỷ lệ 89,13%) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2019; chỉ số PAPI xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố với 45,005/80 điểm, tăng 11 bậc so với năm 2019.

Đặc biệt, trong 10 năm liền, chỉ số PAPI của Hà Tĩnh đều nằm trong nhóm 16 tỉnh/thành có điểm số cao nhất cả nước.

{keywords}
 (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Ông Trần Đình Trung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thành quả này đến từ nhiều nỗ lực, trong đó, Hà Tĩnh đã tập trung cao cho công tác CCHC, chỉ đạo đồng bộ, toàn diện trên nhiều nội dung và triển khai riêng kế hoạch về cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI và chỉ số PAR INDEX để tao sự đồng bộ. Bởi có nhiều nội dung, tiêu chí của các chỉ số này có mối liên quan mật thiết với nhau, khi chỉ số này tăng sẽ tác động theo chỉ số kia tăng và ngược lại.

Nhờ đưa vào hoạt động hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công, kiện toàn và hiện đại bộ phận một cửa cấp xã, ứng dụng CNTT và phần mềm dùng chung vào quản lý, chỉ đạo điều hành; hiện nay, 100% thủ tục hành chính các cấp, ngành của tỉnh được công khai, thống nhất trên môi trường internet và bộ phận một cửa các cấp; 100% thủ tục hành chính được đưa vào tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Tĩnh, trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã.

Hạ tầng CNTT, hệ thống mạng, phần mềm chuyên dụng có bước nhảy vọt, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử của cả 3 cấp đạt trên 95%. Đến nay, trên Cổng dịch vụ công của Hà Tĩnh có 1.746 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 32 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và từng bước xây dựng hiệu quả Chính quyền điện tử.

“Chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên máy tính, có kết nối internet, tôi đã nhanh chóng tiếp cận được những thông tin cần tìm hiểu trên Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến hay một số trang điện tử của các ngành: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Cục thuế… Tất cả đều minh bạch, khách quan và kịp thời”, chủ một doanh nghiệp xây dựng địa phương chia sẻ.

Nỗ lực cải thiện các chỉ số CCHC

Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế trong các chỉ số CCHC, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế và cải thiện, nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI tỉnh Hà Tĩnh năm 2021 và những năm tiếp theo.

UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về CCHC; nâng cao nhận thức và trách nhiệm, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, từng cơ quan, đơn vị trong công tác CCHC, nhằm nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh; chủ động đề ra các biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác CCHC hàng năm, giai đoạn theo kế hoạch.

Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, chủ tịch UBND các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh qua việc tăng cường các buổi đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp, từ đó phản hồi ý kiến doanh nghiệp và có cơ chế theo dõi, giám sát đảm bảo không để kéo dài tình trạng khó khăn, vướng mắc.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động, nghiên cứu hoặc tham khảo các sáng kiến, mô hình, cách làm hiệu quả để áp dụng/vận dụng vào công tác CCHC, nhất là các giải pháp có tính đột phá nhằm giải quyết các ách tắc, “điểm nghẽn” công việc tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đặc biệt, việc thực hiện việc lấy ý kiến đánh giá hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, nhất là người dân, doanh nghiệp gặp các vướng mắc đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, thu hút đầu tư, lao động - thương binh và xã hội… cũng là vấn đề được UBND tỉnh chú trọng.

Theo đó, định kỳ hàng tháng có báo cáo kết quả tổng hợp việc triển khai lấy ý kiến đánh giá, báo cáo cơ quan cấp trên và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ tại các cơ quan; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc điều chuyển, công chức, viên chức thiếu tinh thần, trách nhiệm, có thái độ không đúng mực khi làm việc với người dân, tổ chức.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng nhấn mạnh cần có giải pháp, biện pháp tích cực để nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 và hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

N.L