Một trong 10 dấu ấn nổi bật của tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 có nội dung "nông nghiệp phát triển bền vững, đề án xây dựng tỉnh nông thôn mới được tập trung thực hiện".
Cốt lõi của nông thôn mới phải là nâng cao đời sống người dân
Năm 2023, nông nghiệp Hà Tĩnh được mùa toàn diện. Toàn tỉnh đẩy mạnh tập trung, tích tụ ruộng đất; sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, gia tăng giá trị. Các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện đề án xây dựng thí điểm tỉnh nông thôn mới; xây dựng đô thị văn minh. Dự kiến toàn tỉnh có 100% xã nông thôn mới, 70 xã nông thôn mới nâng cao, 13 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 10/13 địa phương đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.
Trong cuộc làm việc với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cuối tháng 11, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh năm 2024, Hà Tĩnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tập trung cao để sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh.
Theo Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh ưu tiên nguồn lực để khuyến khích tất cả các địa phương cấp xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu (chính sách thưởng khi về đích). Bên cạnh đó, cần dành nguồn lực để thực hiện tiêu chí nước sạch; quan tâm, có giải pháp hiệu quả giải quyết rác thải và thực hiện tiêu chí môi trường.
Kế hoạch, mục tiêu thực hiện trong giai đoạn tới phải được xây dựng cụ thể; các ngành, địa phương phải thật sự vào cuộc quyết liệt; nhiệm vụ trước mắt là đảm bảo hoàn thành 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023 và 100% huyện, thành, thị đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới trong 6 tháng đầu năm 2024.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định cần tiếp tục quán triệt quan điểm xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Tiếp tục phát huy phong trào ở các địa phương, cốt lõi của nông thôn mới phải là nâng cao đời sống người dân; xem xét tuyên dương, khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt công tác đỡ đầu, tài trợ xây dựng nông thôn mới.
Hỗ trợ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Chủ động triển khai chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần đưa chất lượng xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững, hướng tới nông thôn mới thông minh...
Hiện Hà Tĩnh đang triển khai thí điểm một số mô hình. Kết quả ban đầu cho thấy các mô hình số đã giúp người dân quản lý quy trình sản xuất sản phẩm; kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm; tiếp cận, tìm hiểu kiến thức trong phát triển kinh tế vườn, giáo dục, y tế...
Tháng 9/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định phân bổ chi tiết kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh năm 2023 với số tiền 6,3 tỷ đồng.
Hà Tĩnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 20 mô hình thôn thông minh đáp ứng các yêu cầu quy định của tỉnh; phấn đấu có ít nhất 4 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá).
Theo ông Phan Văn Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại nhiều tác động tích cực, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó sản xuất và cung ứng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của họ. Thông qua công nghệ số, môi trường số, người nông dân có thể quảng bá, bán hàng trực tuyến các sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn và nhanh chóng hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cũng theo ông Khanh, trong xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số giúp người dân ứng dụng các công nghệ mới vào khâu quản lý nhân khẩu, các mô hình phát triển kinh tế, vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, hàng rào xanh, phân loại xử lý rác thải… thông qua các thiết bị thông minh...