1. Hà Tuyên sau này được chia tách thành những tỉnh nào?

  • Hà Bắc và Tuyên Quang
  • Hòa Bình và Tuyên Quang
  • Hà Giang và Tuyên Quang
  • Bắc Giang và Tuyên Quang
Chính xác

Tỉnh Hà Tuyên được lập tháng 12/1975 trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Khi hợp nhất, tỉnh này gồm 2 thị xã và 13 huyện.

Đây là một tỉnh cực Bắc của nước ta, có phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Phú, phía Đông giáp các tỉnh Cao Lạng và Bắc Thái, phía Tây giáp tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Tuy nhiên, đến tháng 8/1991, tỉnh Hà Tuyên được chia để tái thành lập thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang như hiện nay.

2. Tỉnh nào được chia tách từ tỉnh Hà Bắc?

  • Hà Nam và Bắc Giang
  • Hà Nội và Bắc Ninh
  • Bắc Ninh và Bắc Giang
  • Hà Nam và Bắc Ninh
Chính xác

Tháng 10/1962, tỉnh Hà Bắc được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Hà Bắc là một tỉnh cũ ở vùng Đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Phía Bắc của tỉnh giáp Bắc Thái, Cao Lạng, phía Nam giáp tỉnh Hải Hưng, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây giáp TP Hà Nội.

Khi hợp nhất, tỉnh này gồm 2 thị xã và 18 huyện. Hà Bắc được xem là vùng trung tâm và chiếm phần lớn diện tích của vùng Kinh Bắc xưa.

Đến tháng 11/1996, Quốc hội khóa IX ra nghị quyết chia tách tỉnh Hà Bắc, tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

3. Hà Sơn Bình là tỉnh thành lập trên cơ sở sáp nhập các tỉnh nào?

  • Hà Tây và Hòa Bình
  • Hà Nam và Ninh Bình
  • Hà Nội, Sơn La và Hòa Bình
  • Hà Tây, Sơn La và Hòa Bình
Chính xác

Hà Sơn Bình là tỉnh tồn tại từ cuối năm 1975 đến tháng 8/1991 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình.

Khi hợp nhất, tỉnh Hà Sơn Bình có 24 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 3 thị xã: Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình và 21 huyện. Tỉnh lỵ được đặt tại thị xã Hà Đông.

Tháng 8/1991, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Hà Sơn Bình để tái lập tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình.

Thị xã Sơn Tây và 5 huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất của thủ đô Hà Nội được trả về tỉnh Hà Tây quản lý.

4. Hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu từng sáp nhập thành tỉnh nào?

  • Cà Mau
  • Bạc Liêu
  • Minh Hải
  • Long Hải
Chính xác

Đầu năm 1976, hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu được tiến hành hợp nhất với tên gọi ban đầu là tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu.

Sau đó, Ban Thường vụ tỉnh ủy đề nghị nên đặt tên chung là Minh Hải thay cho tên Cà Mau - Bạc Liêu. Minh Hải được ghép từ chữ “Minh” trong “U Minh”, vì Cà Mau có rừng U Minh Hạ, còn chữ “Hải” bắt nguồn do Cà Mau - Bạc Liêu có 3 phía là biển và nằm ở cực Nam Tổ quốc.

Vì thế, tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu chính thức đổi tên thành tỉnh Minh Hải vào 3/1976. Tỉnh Minh Hải nằm ở cực Nam, phía Bắc giáp hai tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, Đông Nam giáp Biển Đông, phía Tây giáp vịnh Thái Lan.

Tháng 11/1996, Quốc hội khóa IX ban hành nghị quyết chia tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

5. Tỉnh cũ của Lào Cai, Yên Bái ngày nay là gì?

  • Lào Cai
  • Yên Bái
  • Hoàng Liên Sơn
  • Nghĩa Lộ
Chính xác

Tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập năm 1975, trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và các huyện Mù Căng Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, Than Uyên của tỉnh Nghĩa Lộ.

Khi hợp nhất, tỉnh này có 4 thị xã gồm: Lào Cai, Yên Bái, Cam Đường, Nghĩa Lộ và 16 huyện. Tỉnh lỵ ban đầu được đặt tại thị xã Lào Cai, đến năm 1978 được dời về thị xã Yên Bái.

Đến tháng 8/1991, Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn để tái lập tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Phần đất tỉnh Nghĩa Lộ cũ được sáp nhập vào Yên Bái.