Hàn Quốc sẽ chọn một vị lãnh đạo mới vào ngày hôm nay trong một cuộc bầu cử vẫn bị ám ảnh bởi cái chết của hai cố tổng thống, một người Park Chung-Hee bị ám sát, người kia là Roh Moo-Hyun đã tự tử.
Ứng viên Moon Jae-in (trái) bắt tay với ứng viên Park Geun-hye |
Sự hiện diện phảng phất của hai cựu Tổng thống và cả cảm xúc dữ dội mà họ vẫn tạo nên cho thấy cuộc bầu cử này một phần là bầu cho di sản của hai người.
Park Chung-Hee có thể coi là một nhân vật gây nên ý kiến trái chiều nhất trong lịch sử Hàn Quốc khi ông là người đã đưa đất nước thoát ra khỏi nghèo đói, nhưng cũng là người trước đó từng bắt cả dân tộc chịu đựng chế độ hà khắc suốt 18 năm trời.
Ông bị một điệp viên ám sát vào năm 1979.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Roh Moo-Hyun lại là một luật sư bảo vệ nhân quyền. Ông đã hứa hẹn một khởi đầu mới khi nhậm chức vào năm 2003, nhưng chính quyền của ông lại chìm ngập trong rối ren 5 năm sau đó. Đảng của ông bị các bê bối và đấu đá nội bộ hủy hoại, còn các cải cách kinh tế của ông bị bỏ xó.
Mười lăm tháng sau khi kết thúc nhiệm kỳ, ông Roh tự tử vì một điều tra tham nhũng liên quan tới người nhà.
Cả hai ứng viên sáng giá nhất trong cuộc chạy đua vào Nhà Xanh (phủ Tổng thống) Hàn Quốc hiện nay đều tập trung chiến dịch tranh cử vào các vấn đề then chốt như cải cách kinh tế, an sinh xã hội và an ninh việc làm. Nhưng công chúng vẫn nhìn họ qua lăng kính trong mối liên quan giữa họ và những người lãnh đạo đã qua đời.
"Bà Park là con gái của biểu tượng cho một Hàn Quốc bảo thủ, còn ông Moon lại là hậu duệ của biểu tượng cho một Hàn Quốc tiến bộ" - Hahm Chai-Bong, chủ tịch Học viện Nghiên cứu Chính sách Asan tại Seoul, nói.
Các thăm dò dư luận được phép công bố trước ngày bầu cử cho thấy cuộc đua trở nên cực kỳ gay cấn khi mà khoảng cách giữa hai ứng viên triển vọng nhất rất sít sao với người có ưu thế hơn là bà Park.
Bà Park thể hiện rằng mình là một lãnh đạo có khả năng hồi sinh lại nền kinh tế đang phát triển chậm lại của Hàn Quốc, trong khi ông Moon hứa hẹn sẽ giải quyết các lo ngại về khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng.
Với việc những người tự do đang đứng sau lưng ông Moon và những người bảo thủ đang thống nhất sự ủng hộ đối với bà Park, câu hỏi đặt ra là ai sẽ giành được số phiếu của những cử tri còn đang do dự, vì hầu hết những người này đều đã ngoài 40 tuổi, và họ lo ngại cả về tăng trưởng kinh tế cũng như bình đẳng xã hội.
Để thuyết phục được số cử tri này, hai ứng viên phải di chuyển dần về phía trung tâm, nhưng làm như vậy thì họ sẽ phải bước ra xa dần các cái bóng của những vị lãnh đạo quá cố sau lưng họ.
Trong trường hợp của ông Moon, điều này cũng có nghĩa là những thất bại của
chính quyền Tổng thống Roh sẽ được công khai, đặc biệt là trong những sai lầm
điều hành kinh tế.
Những nỗ lực của bà Park còn dữ dội hơn nhiều.
Trong một xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề của đạo Khổng, trọng chữ hiếu, bà Park hiểu rõ những thái quá trong chế độ mà cha mình từng cai quản và đã xin lỗi tới những gia đình nạn nhân.
"Điều then chốt là chúng tôi nhìn thấy con gái và 'con trai mang tính biểu tượng' của các lãnh đạo đó đã buộc phải công khai nói lên những sai lầm mà các cha ruột hoặc người cha về chính trị của họ đã làm" - ông Hahm nói.
Ứng viên Moon và cựu Tổng thống Roh đã có quãng thời gian làm việc cùng nhau trước khi ông Roh trở thành Tổng thống. Khi đó, hai người tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi của các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ chống đối chính quyền Tổng thống Park.
Ông Moon đã từng phải ngồi tù một thời gian ngắn và đã lấy quãng trải nghiệm đó để tấn công vào bà Park ngay khi mở đầu chiến dịch tranh cử.
"Trong khi tôi phải chịu cảnh nghè đói thì bà ấy sống như công chúa trong Nhà Xanh" - ông Moon nói với các phóng viên hồi tháng Sáu. "Bà ấy đã ở tâm điểm của sự độc tài khi tôi chiến đấu chống lại sự độc tài".
Bà Park đã rời dinh Tổng thống sau khi cha mình bị ám sát và bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1998 trong vai trò là Nghị sĩ tại quê nhà.
- Lê Thu (theo CNA)