Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia cầm diễn biến rất phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu, môi trường, thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi để một số bệnh gây hại cho gia cầm phát triển thành dịch.

Mặc dù huyện Hải Hậu (Nam Định) chưa xuất hiện dịch bệnh cúm gia cầm nhưng càng về cuối năm, nguy cơ bùng phát, xâm nhiễm dịch càng cao bởi nhu cầu tái đàn, tăng đàn và lưu thông sản phẩm gia cầm từ các tỉnh vào địa bàn tăng cao.

{keywords}
Nhu cầu tái đàn tăng cao trong dịp cuối năm.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm đạt hiệu quả, UBND huyện triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi những tháng cuối năm 2021. Dự kiến từ ngày 06 - 15/10/2021 sẽ  tiêm phòng cho đàn gia cầm. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Văn Kỳ đề nghị: Phát động Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn toàn huyện để tiêu diệt mầm bệnh. Tăng cường công tác quản lý, phòng, chống dịch bệnh để chủ động phát hiện nguy cơ tái phát của các loại dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Hướng dẫn phòng chống các bệnh nguy hiểm, quản lý chặt dịch bệnh, hạn chế tới mức thấp nhất khi dịch bệnh xảy ra. Thực hiện tốt chế độ báo cáo dịch bệnh hàng tháng và báo cáo dịch bệnh đột xuất để có biện pháp ứng phó kịp thời với dịch bệnh.

Tăng cường đội ngũ thú y cơ sở. Kiểm soát chặt chẽ các hộ giết mổ, các hộ thu mua gia cầm, các hộ kinh doanh con giống nhằm sớm phát hiện mầm bệnh và giảm lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

Tổ chức thanh tra chuyên ngành thú y, kiểm tra chất lượng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng.

Ban Nông nghiệp xã, thị trấn yêu cầu các trang trại chăn nuôi phải lập sổ theo dõi chế độ tiêm vắc-xin, loại vắc-xin và lưu hóa đơn của các đại lý, công ty bán vắc xin để cơ quan chuyên môn huyện, UBND các xã, thị trấn kiểm tra đột xuất.

Xử lý nghiêm các đại lý, các cơ sở bán vắc-xin, thức ăn chăn nuôi khi phát hiện có vi phạm trong kinh doanh. Hướng dẫn, giám sát người chăn nuôi, người giết mổ thường xuyên thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực sản xuất kinh doanh. Xử lý tốt chất thải chăn nuôi, chất thải trong quá trình giết mổ, sơ chế, chế biến gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường.

Tuyên truyền người dân hực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn. Các trang trại chăn nuôi trong khu dân cư phải có cam kết bảo vệ môi trường theo quy định và không có kiến nghị của người dân trong khu dân cư về vệ sinh môi trường nơi chăn nuôi.

Phòng NN&PTNT huyện tổ chức tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh. Quản lý chặt chẽ con giống nhập đảm bảo sạch bệnh; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật; tổ chức quản lý tốt việc hành nghề thú y.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y nhất là việc lạm dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi; kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch của các xã, thị trấn.

Bích Hạnh