Các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc đã hạ mức báo động phòng thủ chống lại Triều Tiên trên cơ sở thông tin tình báo rằng, Bình Nhưỡng đã nới lỏng tình trạng trực chiến của các đơn vị quân sự tại vùng biển phía tây.

Các đơn vị Triều Tiên gồm cả căn cứ pháo binh (có thể liên quan tới vụ nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc ngày 23/11) từng trong tình trạng báo động đặc biệt, giờ đây dường như trở lại hoạt động thông thường, hãng Yonhap của Hàn Quốc vừa đưa tin.

Trực thăng Hàn Quốc trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi đang xem xét những bước đi này có liên quan tới động thái muốn hoà giải từ phía Bình Nhưỡng với các đề xuất đàm phán”, Yonhap dẫn lời một nguồn tin chính phủ.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và một quan chức thuộc cơ quan Chỉ huy lực lượng hỗn hợp từ chối xác nhận thông tin trên. “Chúng tôi không thảo luận về vấn đề tình báo”, quan chức này nhấn mạnh.

Năm ngoái, căng thẳng hai miền Triều Tiên đã ở mức cao nhất kể từ chiến tranh 1950 - 1953, khi một tàu chiến Hàn Quốc bị chìm (Seoul đổ lỗi cho ngư lôi Triều Tiên) làm 46 thuỷ thủ thiệt mạng và vụ quân đội Bình Nhưỡng nã pháo vào đảo Yeonpyeong hồi tháng 11, làm bốn người tử nạn trong đó có hai dân thường.

Các vụ đụng độ cùng với những tuyên bố đe doạ trả đũa từ cả hai bên biên giới làm nhiều người lo ngại chiến tranh có thể bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên.

Bình Nhưỡng hôm thứ Tư đã kêu gọi đàm phán vô điều kiện với Soeul để tháo gỡ căng thẳng. Tuy nhiên Hàn Quốc bác bỏ đề nghị này và coi đó chỉ là hành động “tuyên truyền” của Triều Tiên.

Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên khiến áp lực ngoại giao nối lại hội đàm với Triều Tiên cũng lớn hơn, tuy nhiên Seoul và Washington đã bác bỏ đề nghị của Bình Nhưỡng và lời kêu gọi của Trung Quốc trong nỗ lực khôi phục hoà đàm. Triều Tiên đã rút khỏi đàm phán sáu bên giải trừ vũ khí đổi lấy viện trợ với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Nga và Mỹ năm 2008.

Phái viên hạt nhân Mỹ Stephen Bosworth đang có chuyến công du tại khu vực để phối hợp các bước đi hướng tới chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Nhật Bản Seiji Maehara đã tái khẳng định rằng, Triều Tiên cần ngừng cách hành xử gây hấn trong tiến trình tháo gỡ căng thẳng.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, trong bài phát biểu tại New York hôm qua (6/1) đã nhắc lại đề xuất của Trung Quốc là tiến hành hội đàm khẩn cấp giữa những người đứng đầu đoàn đại biểu tham gia đàm phán sáu bên.

Trong một nỗ lực biểu dương lực lượng, tàu sân bay Mỹ Carl Vinson sẽ dẫn đầu một nhóm chiến đấu gồm cả tàu khu trục và tàu tuần dương cũng như máy bay chiến đấu, trực thăng chống ngầm hướng đến các thành phố cảng phía nam của Hàn Quốc vào đầu tuần tới.

Liên đội tàu và máy bay này đang trong lịch trình triển khai thông thường tới Tây Thái Bình Dương và không có kế hoạch tham gia diễn tập quân sự ở vùng biển Hàn Quốc. Tuy nhiên, tàu sẽ tập trận ở biển Hoa Đông với hải quân Nhật Bản.

  • Thái An (Theo AP, Reuters)