- Hai người đàn bà gương mặt đều hốc hác, đôi mắt buồn rười rượi. Một người là vợ của bị cáo, người kia là mẹ của bị hại. Hai vị trí khác nhau nhưng họ đều là những người đàn bà bất hạnh.
Ngày 13/10, Tòa án nhân dân Cấp Cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “hiếp dâm trẻ em” do bị cáo Nguyễn Sỹ Đức (SN 1975, Thanh Hóa) thực hiện.
12 tuổi thành "đàn bà"!
Phiên tòa bắt đầu, gã đàn ông được dẫn giải ra trước vành móng ngựa. Sau phần thẩm tra lý lịch, vị chủ tọa tóm tắt lại nội dung bản án sơ thẩm. Theo đó, Nguyễn Sỹ Đức làm nghề buôn bán hàng rong. Do là đồng hương nên Đức quen biết và chơi thân với vợ chồng chị N.T.V. Sau đó, vợ chồng chị V. phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ly thân. Chị V. sống cùng hai con là cháu L.H.B. (SN 2000) và cháu L.T.H.(SN 2002).
Bị cáo trước vành móng ngựa. |
Trong một lần ghé lại nhà chị V. chơi vào tháng 4/2014, thấy chị đi vắng, chỉ có H. và anh trai ở nhà, Đức nảy sinh ý định thực hiện hành vi đồi bại. Đức đưa cho cháu B. một ít tiền sai đi mua rượu rồi ở lại dụ dỗ, sàm sỡ cháu H. Cô bé nhanh chóng bị gã đàn ông lọc lõi lạm dụng, thành "đàn bà" ở tuổi 12. Chị V. hoàn toàn không hay biết.
Ngày 28/5/2014, chị V. tắm cho H. phát hiện vùng kín của con gái bất thường. Chị gạn hỏi, cô bé 12 tuổi nhanh chóng kể lại toàn bộ “bí mật” giữa mình và “chú Đức”. Ngay sau đó, chị V. làm đơn tố cáo. Quá trình điều tra, Đức khai nhận đã xâm hại cháu H. nhiều lần, mỗi lần bị cáo cho cháu ít nhất 50.000 đồng. Với hành vi trên, Đức bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt 15 năm tù về tội “hiếp dâm trẻ em”.
Những người đàn bà bất hạnh
Tại phiên tòa phúc thẩm, trình bày lý do kháng cáo, chị V. bảo mức án 15 năm tù với bị cáo là quá nhẹ. Biết gia đình chị tan vỡ, có lần bị cáo tới lui gạ gẫm chị. Khi chị tỏ rõ thái độ, bị cáo lại hành động như vậy. Chị phải cực nhọc làm việc để nuôi hai con nhỏ để mong chúng có tương lai tốt hơn. Vậy mà! Từ khi con gái chị bị lạm dụng, tâm hồn vẩn đục, nó học hành ngày càng sa sút, mức án 15 năm tù chị không cam lòng.
Nghe lời đại diện phía bị hại trình bày, vợ bị cáo cúi đầu, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn chồng. Bỏ qua bao hờn tủi, dị nghị, người đàn bà trẻ viết đơn xin giảm án cho chồng. Chị ngồi lạc lõng trên băng ghế dài, những giọt nước trực trào trên khóe mặt. Khi được hỏi, người vợ trẻ vẫn ra sức bao biện cho chồng. Chị bảo Đức hành động như vậy là nhất thời thiếu suy nghĩ, Đức đi tù thì mẹ con chị không biết sẽ sống ra sao nên chị xin tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Đối với bị hại, chị biết rằng hành vi tội lỗi của chồng không gì có thể bù đắp. Gia cảnh nghèo khó, chị đã thay chồng nhiều lần tìm đến nhà chị V. để nói lời xin lỗi, xin được bồi thường mỗi lần một chút để khắc phục hậu quả. Thế nhưng, chị V. không chấp nhận. Nói đến đây, vợ bị cáo khóc.
Mặc sự bất bình, xót xa trên gương mặt mẹ, sự buồn tủi, day dứt của vợ bị cáo, bé H. dửng dưng như người ngoài cuộc. Khác với nhiều đứa trẻ, H. được vào tòa vì là bị hại trong vụ án. Trong lúc mẹ được gọi lên trình bày, H. ngồi hết đan những ngón tay vào mái tóc, vuốt ve, chải chuốt lại tháo đôi bông tai bằng nhựa lên ngắm nghía.
Nhìn hình hài cao to, nước da ngăm, đôi mắt đen lúng liếng, điệu đà của H. không ai nghĩ đó là một đứa trẻ mà mẹ còn phải tắm cho hàng ngày. Tôi hỏi H. “ba con giờ ở đâu? Ba có đến tòa không”, H. cười, vui vẻ đáp: “Con không biết. Ba không đi” rồi quay sang mân mê chiếc điện thoại cảm ứng trên tay.
Sau khi nghị án, tòa bác kháng cáo của Đức, chấp nhận kháng cáo của mẹ H., tăng hình phạt đối với bị cáo từ 15 năm lên 20 năm tù.
Khi người đàn ông theo chân cảnh sát về trại, hai người phụ nữ cũng lật đật đi ra. H. đi theo mẹ, không biết cô bé có nghĩ gì về vụ án tòa xử, về thứ quý giá nhất của đời con gái? Về bi kịch của hai người đàn bà trước mặt?
M.Phượng