Xác nhận 2 đại gia người Việt đã được giao máy bay riêng của Falcon vào tháng 12/2018, nguồn tin thân cận với hãng sản xuất máy bay Mỹ không tiết lộ danh tính hai vị doanh nhân trên. Người này còn chia sẻ thêm có 6 người Việt đang sở hữu máy bay riêng, không kể 2 phi cơ của Vietstar Airlines.

Từ trước đến nay, dư luận chỉ biết đến 2 doanh nhân công khai việc sở hữu máy bay riêng là Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) của Hoàng Anh Gia Lai và Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long. 

Năm 2008, bầu Đức mua lại chiếc Beechcraft King Air 350 với giá khoảng 5 triệu USD. Ước tính chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai tốn thêm khoảng 2 triệu USD tiền thuế, chi phí thuê tổ bay, bảo dưỡng kỹ thuật để khai thác máy bay này.

{keywords}
Một chiếc Beechcraft King Air 350. Ảnh: Beechcraft.

Máy bay cỡ nhỏ và trực thăng giá 5 triệu USD

Chiếc Beechcraft King Air 350 thuộc loại máy bay cỡ nhỏ 2 cánh quạt. Máy bay này có sức chở 8 hành khách. Với tầm bay tối đa 3.300 km, máy bay riêng của bầu Đức khi đó đủ khả năng thực hiện hành trình từ TP.HCM đến các dự án của Hoàng Anh Gia Lai ở Myanmar, Lào, Campuchia.

Bầu Đức được cho là có ý bán lại chiếc King Air 350 từ năm 2013. Thời điểm này, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đánh tiếng muốn mua lại. Tuy nhiên đến năm 2017, hãng hàng không Vietstar Airlines xác nhận đã mua lại máy bay của bầu Đức để khai thác thương mại.

Trước đó, vào khoảng năm 2014, bầu Đức cũng di chuyển trên một máy bay riêng sang trọng là Embraer Legacy 600. Tàu bay này có giá 27 triệu USD, sức chở 13 hành khách với tầm bay 6.000 km. Tuy nhiên, máy bay này được một cá nhân nước ngoài đăng ký và bầu Đức chỉ thuê lại.

Bên cạnh bầu Đức, Chủ tịch Trần Đình Long của Tập đoàn Hòa Phát cũng từng sở hữu máy bay riêng. Khác với máy bay phản lực của bầu Đức, máy bay ông Long sử dụng là mẫu trực thăng EC 135P2i mua vào năm 2010.

{keywords}
Chiếc trực thăng 6 chỗ một thời thuộc sở hữu của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long. Ảnh: NLĐ.

Giá trị của chiếc trực thăng 6 chỗ ngồi này ước tính khoảng 5 triệu USD, chưa kể chi phí khai thác, bảo dưỡng. Sau đó, chủ tịch Hòa Phát đã bán lại chiếc trực thăng này cho một đơn vị ở Hong Kong.

Hồi tháng 3/2018, ông Long chia sẻ đang có ý định sắm máy bay mới "nhưng bị mọi người can". Chủ tịch của Hòa Phát cho biết nếu mua máy bay, sẽ mua loại máy bay phản lực vì phải đi lại nhiều khi khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất hoạt động.

Những ông bầu của bóng đá Việt Nam

Ngoài việc từng sở hữu máy bay riêng, ông Đoàn Nguyên Đức và ông Trần Đình Long có điểm chung yêu môn thể thao vua và là những ông "bầu" của bóng đá Việt Nam.

Tham gia bóng đá từ năm 2001, trải qua nhiều biến động trong việc kinh doanh, phải bán nhiều mảng kinh doanh, tài sản để trả nợ trong giai đoạn khó khăn 2015-2017 nhưng bầu Đức luôn đầu tư cho bóng đá. Đến nay, bóng đá mới là lĩnh vực có tuổi đời lâu nhất của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Theo báo cáo tài chính quý III, chi phí đào tạo học viện bóng đá HAGL-JMG trong 9 tháng đầu năm của Hoàng Anh Gia Lai là 45 tỷ đồng, cao hơn gấp rưỡi con số 30 tỷ của năm 2018. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của học viện bóng đá cũng tiêu tốn 39 tỷ đồng của Hoàng Anh Gia Lai từ đầu năm. Chỉ tiêu này của cả năm 2018 là 57 đồng.

Những năm khó khăn từ 2015 đến 2017, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn duy trì mức đầu tư 90-110 tỷ cho học viện bóng đá, bao gồm chi phí xây dựng cơ bản dở dang và chi phí đào tạo. 

Ngoài ra, bầu Đức còn là người hỗ trợ trả lương cho nhiệm kỳ 2 năm đầu tiên của HLV Park Hang-seo khi ông Park ký hợp đồng mới với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đầu tháng này.

{keywords}
Ngoài đầu tư cho CLB Hoàng Anh Gia Lai, học viện bóng đá, bầu Đức còn từng hỗ trợ trả lương cho thầy Park. Ảnh: Nguyễn Đăng.

Trong khi đó, ông Trần Đình Long từng gắn bó với bóng đá thủ đô giai đoạn 2004-2011 khi đứng sau CLB Hòa Phát Hà Nội. Đồng hành với bầu Long trong việc xây dựng Hòa Phát Hà Nội là bầu Tuấn (Phó chủ tịch HĐQT Hòa Phát Nguyễn Mạnh Tuấn). Ông Tuấn trực tiếp làm chủ tịch đội bóng.

Hòa Phát Hà Nội thời điểm đó được đánh giá là CLB được đầu tư bài bản ở V-League, không chạy theo việc vung tiền mua sắm cầu thủ. CLB của bầu Long từng xuống hạng một lần sau mùa giải 2008 rồi quay trở lại V-League ngay mùa giải sau. Thành tích tốt nhất của Hòa Phát Hà Nội là vô địch Cúp Quốc gia năm 2006.

Kết thúc V-League 2011, Hòa Phát Hà Nội tuyên bố giải thể và bàn giao lại nhân sự, cơ sở vật chất cho CLB Hà Nội ACB. Lý do không phải là khó khăn về tài chính mà vì ban lãnh đạo Hòa Phát không còn thiết tha với môi trường bóng đá ở Việt Nam thời điểm đó.

Trong lần phỏng vấn với Zing đầu năm 2018, ông Trần Đình Long chia sẻ nhiều người khuyên ông quay trở lại bóng đá nhưng chủ tịch Hòa Phát chưa tính đến việc này.

(Theo Zing)