Hải Phòng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, cửa ngõ chiến lược trong phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các nước Đông Dương, Trung Quốc.

Theo thống kê, thành phố Hải Phòng có hơn 6.100 loài động thực vật khác nhau, trong đó có 85 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 56 loài ghi trong Danh lục đỏ của thế giới năm 2012. 14 loài động thực vật cần được bảo tồn, phát triển và nghiên cứu.

Sự phát triển của kinh tế, xã hội, thành phố Hải Phòng cũng chịu tác động tới tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và các loài động vật hoang dã đang suy giảm. Nhiều loài sinh vật quý hiếm như tôm hùm, cá ngựa, cà cuống... không còn ở vùng biển Hải Phòng. Rạn san hô bị suy giảm, không thể phục hồi.

Bên cạnh đó, thành phố vẫn tồn tại tình trạng mua bán động vật hoang dã tại các tuyến đường 10, đường 5, Vườn quốc gia Cát Bà… Nhiều vụ việc các đối tượng mua bán động vật hoang dã vận chuyển qua địa bàn thành phố, giải cứu nhiều động vật quý hiếm như Tê tê, Kỳ đà. Trong cộng đồng cư dân, nhiều người vẫn nuôi nhốt các loài động vật hoang dã làm cảnh. 

bao ve dong vat hoang da.png
Hải Phòng tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế trong bảo tồn động vật hoang dã. 

Những năm qua, thành phố Hải Phòng đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tăng cường bảo vệ động, thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học. Xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học. Các quận, huyện, các sở ban ngành trong thành phố tăng cường tuyên truyền tới cán bộ, người dân về quy định của pháp luật trong bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Các cơ quan, tổ chức, cán bộ nói không với sử dụng và tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Chi cục Kiểm lâm thành phố đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát Môi trường thành phố tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về đa dạng sinh học, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch của Bộ Công an và các bộ ngành về ngăn ngừa tội phạm đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động vật quý hiếm. Tuyên truyền người dân chủ động giao nộp động vật hoang dã, giao cho cơ quan chức năng thả về môi trường tự nhiên. 

Lồng ghép tuyên tuyền với các nhiệm vụ, phong trào khác trong đời sống dân cư như “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, qua đó người dân đã nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật, đấu tranh ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, lên án các hoạt động sai trái trong đó có tội phạm về đa dạng sinh học.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1623 về phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, tháng 8/2023, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 221 với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành nghiêm pháp luật về đa dạng sinh học. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ, bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã, nhất là các loài động vật, thực vật hoang dã nhóm IA, IIA, IB, IIB và thuộc Phụ lục I - Công ước CITES.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống tội phạm đa dạng sinh học như hệ thống kiểm định, phân tích, xử lý thông tin hiện đại. Các đơn vị liên quan tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan tới vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học. Công an thành phố phối hợp với các địa phương khác trong lĩnh vực  phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.

Mai Hương và nhóm PV, BTV