Theo tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, chiều ngày 16/11/2018, Trường Đại học Hải Phòng phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội (CSIE - Đại học Kinh tế Quốc dân) và Thành Đoàn Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo và phát triển trong quy hoạch và xây dựng thành phố thông minh”.
Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng - Nguyễn Thị Hiên phát biểu tại Hội thảo. Ảnh theo Bộ KH&CN |
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Dương Ngọc Tuấn cho biết, Hải Phòng đề ra mục tiêu trở thành một trong những địa phương có hoạt động khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo nổi bật của cả nước. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều hoạt động hỗ trợ góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến cộng đồng xã hội và đạt được nhiều kết quả khả quan. Ngày 05/6/2017, UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt Kế hoạch số 1394 về “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng đến năm 2020” với mục tiêu hỗ trợ 100 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó ít nhất 20% dự án gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư; phát triển 50 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó ít nhất 20 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, thành phố có nhiều định hướng trong việc triển khai Quyết định số 1665 ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, qua đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng trong thời gian học tập tại các trường cũng như tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp…
Tại Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đã giới thiệu các khía cạnh của thành phố thông minh (Smart city). Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, để xây dựng “Thành phố thông minh”, cần có nền tảng về thể chế, khung chính sách, bộ tiêu chí đánh giá, quyết tâm chính trị của chính quyền cũng như hạ tầng công nghệ thông tin và kết nối toàn cầu. Lợi thế của việc xây dựng "Thành phố thông minh" là chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, có nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào. Đây cũng là yếu tố để khai thác cho các hoạt động khởi nghiệp. Tại hội thảo, một số nội dung cũng được giới thiệu như: Smart City - nền tảng sự khởi nghiệp xã hội; Trường đại học khởi nghiệp - mô hình và gợi ý…
Hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng Nguyễn Thị Hiên khẳng định, trường Đại học Hải Phòng luôn chủ động, tích cực cùng với thành phố để kiến tạo các giải pháp xây dựng và phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế và tác động của cuộc các mạng công nghiệp 4.0; Kiến tạo và phát triển thành phố Hải Phòng thông minh, nhằm đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững; tạo sự kết nối lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố ra toàn vùng Đồng bằng sông Hồng…