Sau khi hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) tại 139/139 xã vào cuối năm 2019, TP Hải Phòng đã bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố thời gian tới, xây dựng NTM tiếp tục được xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực thực hiện, thể hiện qua việc triển khai Chủ đề năm trong 2 năm liên tiếp đều có thành phố “Xây dựng NTM kiểu mẫu”, từ đó khẳng định quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án số 05/ĐAUBND ngày 13/07/2023 của UBND Thành phố về mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

W-Kienthuy.png

Cụ thể, Hải Phòng phấn đấu có thêm 53 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (bao gồm 3 xã thuộc kế hoạch năm 2023), 44 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu (bao gồm 9 xã thuộc kế hoạch năm 2023), tiếp tục triển khai thêm 13 xã nông thôn mới kiểu mẫu để đạt chuẩn vào năm 2025. Đối với cấp huyện, phấn đấu huyện Bạch Long Vĩ cơ bản hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới theo Bộ tiêu chí đặc thù; 4 huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy cơ bản hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 76 triệu đồng/người/năm; không còn hộ nghèo đa chiều. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 có 4 huyện đạt chuẩn NTMKM; 100% xã đạt chuẩn NTMKM…

Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố xác định tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, bảo tồn các giá trị văn hóa, môi trường cảnh quan trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.

Thành phố cũng chủ trương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế số trong nông nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân...) tham gia vào quá trình chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa trong nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị quy mô lớn gắn với thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để phát triển hiệu quả, bền vững, đủ sức cạnh tranh trong hội nhập quốc tế.

Thành phố cũng chú trọng tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Trong đó ưu  tiên bố trí đủ nguồn ngân sách thành phố để bố trí cho các địa phương đầu tư, xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch; lồng ghép hiệu quả nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách khác trên địa bàn nông thôn; huy động hiệu quả vốn tín dụng của các ngân hàng; thu hút hiệu quả nguồn vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã; vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, nội dung cụ thể…