Tại Hội thảo “Bảo vệ môi trường trong chế biến thủy sản" do Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, đại diện chi cục Thủy sản Hải Phòng cho biết, Hải Phòng được biết đến với những thương hiệu lớn trong ngành thủy sản như Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long, Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng – nhà máy chế biến thủy sản F42, Công ty, Xí nghiệp Chế biến thủy sản Seasafico… do Hải Phòng sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế đặc biệt mà rất ít địa phương có được. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy quyết tâm xây dựng, duy trì phát triển ngành thủy sản là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Hải Phòng thông qua Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 07/6/2018 về phát triển kinh tế thủy sản, xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm nghề cá lớn của cả nước gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ.
Chương trình hành động số 6233/CCt-UBND ngày 01/10/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 07/6/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy định hướng phát triển sản xuất thủy sản trong giai đoạn 2021 - 2025: Tốc độ giá trị sản xuất đạt 2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng sản lượng đạt 2,5-3,0%/năm. Đến năm 2025, tổng sản lượng đạt 150.000 - 160.000 tấn (khai thác chiếm 59,5%, nuôi trồng 40,5%); kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 100 triệu USD; giá trị sản xuất thủy sản chiếm 43,9% trong cơ cấu tổng giá trị sản xuất nhóm ngành nông nghiệp, thủy sản; cơ cấu tỷ trọng giá trị khai thác – nuôi trồng và dịch vụ giống trong tổng giá trị sản xuất thủy sản là: 54% - 42% và 4%; trên 80% số lao động nghề cá được đào tạo, tập huấn. Đặc biệt, hoàn thành xây dựng Cảng cá động lực và hạ tầng cơ bản của các phân khu chức năng thuộc Trung tâm nghề cá lớn của cả nước và gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ.
Thực hiện nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, trong những năm qua sản xuất thủy sản đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2022, ngành thủy sản Hải Phòng đã đạt được mục tiêu tổng sản lượng thủy sản tăng 5.000 tấn so với năm 2021, tổng giá trị sản xuất đạt trên 5.564 tỷ đồng, tăng 160 tỷ đồng so với năm 2021. Đặc biệt, Hải Phòng phấn đấu đến năm 2030 trở thành Trung tâm chế biến thủy sản trọng điểm của cả nước.
Ngày 14/9/2022, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND Triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch đã đề ra 6 nhiệm vụ: Triển khai cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, chế biến thủy sản; tạo nguồn nguyên liệu và kiểm soát nguyên liệu chế biến thủy sản; đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả chế biến thủy sản; phát triển chế biến sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao; phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản và tổ chức lại chuỗi sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản chế biến. Kế hoạch cũng đề ra 6 nhóm giải pháp thực hiện bao gồm: Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản chế biến; phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành chế biến thủy sản; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững và xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản.
Tồn tại không nhỏ trong chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố là công tác bảo vệ môi trường. Các cơ sở chế biến nông lâm sản trên địa bàn thành phố với quy mô sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình là chủ yếu nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với đa số các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố không lớn do quy mô, sản lượng nhỏ. Nhưng về lâu dài việc tích tụ chất thải của các cơ sở sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nếu không có các biện pháp thu gom, xử lý chất thải phù hợp, theo đúng quy định.
Ngoài ra, cơ cấu sản xuất thủy sản và cơ cấu tàu thuyền khai thác thủy sản chưa hợp lý, nuôi thả tập trung chủ yếu ở nhóm thủy sản truyền thống, tàu thuyền khai thác nhỏ ven bờ chiếm tỷ lệ cao, cơ cấu nghề nghiệp chuyển đổi chậm…
Đại diện chi cục Thủy sản Hải Phòng đề xuất cần quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để Ngành thủy sản có thể phát triển được các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung phù hợp. Chính phủ cần xem nguồn nguyên liệu hải sản đánh bắt hợp pháp từ nước ngoài là nguồn tài nguyên lớn mà Việt Nam có thể đẩy mạnh thu gom, nhập khẩu để phục vụ cho ngành chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch và chính sách bảo tồn nguồn lợi biển, quy định những vùng nuôi, những loài hải sản được khai thác với kích cỡ nhất định, đồng thời có chính sách khuyến khích nuôi biển…
Đại diện chi cục Thủy sản Hải Phòng cũng kiến nghị UBND thành phố có những giải pháp thiết thực, cụ thể khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản trên biển, đầu tư mới, nâng cấp các trại sản xuất giống, trại nuôi trồng thủy sản, đầu tư mới, nâng cấp các kho lạnh lưu giữ, trung chuyển sản phẩm thủy sản; đầu tư hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi… cho các vùng thủy sản được xác định là sản phẩm chính phải được ưu tiên thiết kế, xây dựng, vận hành đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến, thương mại thủy sản.