Với bề dày về lịch sử phát triển lên tới cả trăm năm, ngành công nghiệp của Hải Phòng cũng có nhiều doanh nghiệp nội vươn lên trong “cuộc đua” tiến tới công nghiệp công nghệ cao. Hiện, các doanh nghiệp vẫn không ngừng đổi mới công nghệ, thiết bị, đưa ra những sản phẩm với chất lượng cao nhất, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên trên thực tế, khối doanh nghiệp nội địa còn “lép vế” so với các doanh nghiệp FDI, cần có sự “trợ giúp” của các cơ quan quản lý nhà nước.
Làm chủ công nghệ
Được thành lập từ năm 1986, Công ty CP May Hai đến nay có gần 40 năm kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc cho nhiều khách hàng lớn tại thị trường “khó tính” là Mỹ và EU. Theo Phó giám đốc Công ty Đỗ Nam Hải, May Hai là một trong những doanh nghiệp dệt may đầu tiên áp dụng giải pháp ERP, tích hợp đồng bộ tất cả phần mềm như quản lý nghiệp vụ như kế toán, nhân sự, lương, lập kế hoạch sản xuất... vào một hệ thống duy nhất và có sự liên kết với nhau. Từ đó, lãnh đạo công ty và đội ngũ cán bộ quản lý có thể kiểm soát xuyên suốt quy trình lao động sản xuất kinh doanh của công ty cũng như xử lý các tình huống phát sinh mà không mất nhiều thời gian và công sức. Hiện, May Hai là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu uy tín do Bộ Công Thương bình chọn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 60 triệu USD trong năm 2023. Công ty cũng bảo đảm mức lương gần 2.000 lao động trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.
Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) hiện cũng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất ống và phụ tùng nhựa tại Việt Nam, được nhiều đối tác trong và ngoài nước tin tưởng lựa chọn. Nhựa Tiền Phong cũng là đơn vị tiên phong trên thị trường khi đưa ra nhiều sản phẩm mới mà chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất được như ống uPVC lõi xoắn, trọn bộ sản phẩm ống và phụ tùng nhựa dùng riêng cho hệ thống thoát đạt tiêu chuẩn ISO 3633 hay ống gân sóng PP. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, cùng sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp cùng ngành, Nhựa Tiền Phong cũng không ngần ngại tìm những hướng đi mới, nắm bắt cơ hội kinh doanh tại các thị trường tiềm năng thông qua việc tiên phong sản xuất các sản phẩm mới dựa trên công nghệ hiện đại của các tập đoàn quốc tế Sekisui, Iplex như ống CPVC chống cháy dùng cho hệ thống phòng cháy chữa cháy thay thế ống gang mạ kẽm hiện nay. Nhờ đó tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 5.176 tỷ đồng, tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 100 nghìn tấn.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp làm chủ công nghệ như 2 đơn vị trên không nhiều, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng phần lớn doanh nghiệp nội vẫn cần sự hỗ trợ, tiếp sức của thành phố.
“Tiếp sức” cho doanh nghiệp nội
Theo số liệu của Sở Công Thương Hải Phòng, 8 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố khởi sắc và đạt được kết quả tích cực. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) luôn duy trì mức tăng 2 con số. Tính chung 8 tháng năm 2024, IIP ước tăng 15,14% so với cùng kỳ (vượt kế hoạch năm: tăng 15% so năm 2023). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù quy mô sản xuất công nghiệp của thành phố tăng trưởng khá cao, nhưng chủ yếu vẫn từ đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Một số sản phẩm công nghiệp của Hải Phòng tăng cao so với cùng kỳ như sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính (tăng 127,04%); sản xuất xe có động cơ (tăng 53,60%); sản xuất đồ chơi, trò chơi (tăng 57,79%)… phần lớn vắng bóng các doanh nghiệp nội địa.
Trong khi đó, các ngành công nghiệp truyền thống có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nội địa như sản xuất giày dép, chế biến thực phẩm, đóng tàu, sản xuất thép... tăng trưởng thấp hoặc suy giảm; công nghiệp hỗ trợ vẫn chậm phát triển, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp hỗ trợ trong nước còn chậm, chưa thúc đẩy phát triển chuyển giao công nghệ hay hình thành các chuỗi cung ứng vật tư… Thành phố hiện cũng chưa có chính sách đủ mạnh để tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm, chưa có khu công nghiệp công nghệ cao.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành thông tin: Trong thời gian tới, để góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản xuất công nghiệp, ngành Công Thương sẽ tập trung nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc để sớm đưa các công trình, dự án lớn vào hoạt động nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới; triển khai đánh giá thực trạng và đề xuất các nhiệm vụ khôi phục, phát triển ngành đóng tàu thành phố… Để tiếp tục nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, đồng thời phát triển công nghiệp công nghệ cao của thành phố trong giai đoạn tới, Sở Công Thương tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, nội dung được thành phố giao, tập trung đẩy mạnh các chương trình kết nối, xây dựng hệ thống thông tin doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thông tin về nhu cầu công nghiệp hỗ trợ... để tạo cầu nối giữa doanh nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp lắp ráp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, từ đó, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Bên cạnh đó đẩy nhanh tiến độ hình thành các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp gắn với khu nhà xưởng tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư công nghiệp hỗ trợ…
Hiệp Lê