Chị Nguyễn Thanh Trang, quê ở Bình Thuận, bán hải sản tươi online tại TPHCM gần chục năm nay kể, bán hàng, lại bán đồ tươi sống đủ thứ mệt nhưng "hận" nhất là kẻ "bom" hàng. Đặt cho cố vô, khi người ta giao thì tìm cách trốn, chẳng những khách lạ mà kể cả người quen nên càng bực.
Bị khách "bom" hàng hải sản, chị Trang "xả" nguyên thùng gần 10kg... chỉ với 200.000 đồng |
Mới đây, có chị nhà ở Gò Vấp cũng là người tương tác từ lâu trên mạng đặt 8 ký hải sản các loại tôm, cua, ghẹ, cá, nghêu, sò... tổng đơn hàng trên 2 triệu đồng. Đến ngày giao, chị Trang nhắn tin, gọi điện thì đây đẩy: Em cứ giữ đấy cho chị nhé! Kiên nhẫn liên lạc thêm lần thứ 2, cũng giọng "giữ giúp chị" là chị Trang biết số phận thùng hàng bị "bom".
Chị Trang không khỏi uất ức, hải sản, đồ tươi chứ có phải đồ dùng như đôi dép, chiếc áo đâu mà bảo giữ đấy, giữ đấy! Giữ đấy cho nó thối um ra rồi mới chịu nhận à. Chị Trang nhắn vài lời qua lại rồi đi "xử lý khủng hoảng".
Chị Trang viết vài dòng kể lể sự tình rồi "xả" nguyên thùng hàng tôm cua cá này chỉ với 200.000 đồng, lại còn miễn luôn cả tiền giao hàng nữa. Chỉ vài phút sau, có cả chục khách đặt mua, chị giao cho người đặt đầu tiên.
Trước khi khóa bình luận của trang "giận kẻ bom hàng" này, chị Trang tag tên người "bom" hàng vào với lời đề nghị: Có người lấy giúp chị đơn hàng rồi, chị chủ động liên lạc cảm ơn họ nhé!
Nỗi ám ảnh nhất với người bán hàng online chính là bị khách "bom" hàng. Việc này diễn ra nhiều vô kể, người mua người bán có khi không biết nhau, chỉ là một cái tên trên mạng xã hội, một số điện thoại mà khi cần lại không liên lạc được. Nhắn tin thì ngày này qua ngày khác nằm ở trạng thái chưa xem hoặc đã xem thì không trả lời.
Nhiều người khi đặt "hăng máu", khi nhận hàng là lặn mất tăm. Họ vô cảm không lường được những hệ lụy ảnh hưởng đến nhiều người. Ảnh hưởng đến người bán, làm lỡ nhiều người mua khác vì hết hàng không mua được, rồi cả công sức của shipper, hàng tươi, có date thì hàng gửi về đã hỏng.
Chị Thúy Ngọc, bán mỹ phẩm xách tay ở TPHCM cho biết, hàng bị "bom" là chị phải trả tiền ship hai chiều, rồi còn lỡ khách mua khác. Tuy nhiên, nguyên tắc của chị không bao giờ đi đôi co hay chất vấn khách, sao đặt mà không lấy.
Theo chị điều này là không cần thiết, đã không nhận hàng, trả về là khách đã "trở mặt" không muốn lấy nữa, có tranh cãi qua lại cũng chỉ thêm bực, chứ mình là người bán nắm sao được đứa "trọc đầu".
Nhiều người "xả" hàng bị "bom" một cách xả xui hay "dằn mặt" khách hàng. Tuy nhiên, cũng nhiều shop lợi dụng chiêu này để "dụ" khác mua hàng giá không hề rẻ |
Mà có những khách hồn nhiên đến tàn nhẫn. Shipper đến giao, không nhận rồi hồn nhiên nói: Nay chị không ở nhà nên chị hủy đơn hàng nhé! Hay, chị mua cho mẹ mà hỏi lại, mẹ nói không thích.
Giờ đây, cứ đơn hàng nào bị "bom" là chị "xả hàng", bán lỗ vốn như "xả xui" và cũng là một lời nhắn nhủ đến mọi người hãy cân nhắc, có trách nhiệm khi đặt hàng mua hàng.
Tuy nhiên, chị Ngọc cũng cho cảnh báo, rất nhiều shop, nhiều người bán hàng online lợi dụng việc "bom" hàng để lừa khách hàng. Rất nhiều cửa hàng, nhiều người bán hàng ca điệp khúc: Em/chị gái em hay mẹ già nhà em lấy lô hàng nước hoa, quần áo, làm giò chả ... cho khách đặt nhưng bị "bom", nhà em "xả" lỗ vốn, rất mong mọi người ủng hộ.
Chiêu này đánh vào sự yếu lòng, thương cảm và cả ham rẻ của người mua. Mọi người ào ào chen chân vào đặt hàng với tâm lý mình vừa giúp đỡ người khác, lại vừa mua được giá... hời. Rất nhiều khách hàng "mắc bẫy", thật ra họ không hề mua được giá rẻ, thậm chí có thể mua trúng hàng giả, hàng đểu với cách thức đẩy giá lên rồi "xả" lỗ vốn.
(Theo Dân trí)