Tuần trước, công tố viên bắt giữ một Phó chủ tịch cấp cao họ Lee của Samsung Electronics vì bị tình nghi yêu cầu Samsung BioLogics chôn máy chủ và laptop dưới sàn nhà máy tại Incheon khi cuộc điều tra gian lận kế toán được mở rộng.

Lee là thành viên thứ ba trong một nhóm các quan chức cao cấp bị buộc tội cố gắng tiêu hủy bằng chứng trong vụ việc này. Tháng trước, hai Phó chủ tịch họ Baek và Seo cũng đã bị bắt. Tất cả đều là thành viên của Business Support Task Force, trước đây là Future Strategy Department, bộ phận được gọi là “tháp điều khiển” của tập đoàn Samsung. Họ nằm trong số khoảng 14 lãnh đạo thân cận với Phó Chủ tịch Lee Jae Yong để quản lý mảng kinh doanh và chi nhánh quan trọng của Samsung Electronics. Hai giám đốc khác phụ trách Samsung Bioepis, bộ phận nghiên cứu của Samsung BioLogics, cũng bị bắt.

Các vụ bắt bớ xảy ra đúng thời điểm Samsung Electronics chưa thể phục hồi lợi nhuận do cả mảng bán dẫn và smartphone đều gặp khó. Tập đoàn thông báo cắt giảm sản xuất và sa thải công nhân tại nhà máy cuối cùng ở Trung Quốc, nơi thị phần của hãng giảm từ 20% năm 2013 xuống chưa tới 1% hiện tại. Samsung cũng buộc phải hoãn phát hành smartphone gập sau khi phát hiện lỗi nghiêm trọng trong màn hình.

Những rắc rối này có thể phân tán sự tập trung của bộ máy lãnh đạo vào lúc Samsung nên tận dụng lợi thế khi Mỹ tấn công Huawei trên toàn cầu. Ngày 17/5, Washington đưa Huawei vào danh sách hạn chế thương mại, dẫn đến hàng loạt “ông lớn” như Google, AMD phải dừng cung ứng cho công ty.

Nikkei dẫn lời một cựu giám đốc Samsung giấu tên rằng họ không thể tập trung vào Huawei tại thời điểm quan trọng này vì ưu tiên hàng đầu là bảo vệ chủ nhân tập đoàn. Đây là điểm yếu trong hệ thống lãnh đạo của Samsung.

Theo các chuyên gia, uy tín của hãng điện tử Hàn Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng do bê bối. Dù vậy, với hơn 800 lãnh đạo cao cấp, ít nhất công ty vẫn vận hành mà không bị tác động nghiêm trong. Lee Seung Woo, nhà phân tích của hãng đầu tư chứng khoán Eugene, nhận định dù các giám đốc trong “tháp điều khiển” quan trọng đến đâu, họ vẫn có thể thay thế được.

Dù vậy, việc một số lãnh đạo cao cấp nhất bị bắt giữ tạo ra tâm lý hoang mang không khỏ trong nội bộ. Một giám đốc giấu tên cho biết đây chính là chủ đề phổ biến nhất trong các chatroom nhân viên.

Công tố viên theo sát Samsung Electronics từ tháng 11/2018 khi cơ quan quản lý tài chính buộc tội Samsung BioLogics thực hiện gian lận kế toán 4 tỷ USD nhờ thổi phồng giá trị của đơn vị nghiên cứu. Theo Nikkei, họ tố Baek và Seo chỉ đạo nhân viên BioLogics tiêu hủy tất cả tài liệu chứa từ khóa JY, Merger và Future Strategy Department.

JY ám chỉ “thái tử” Lee Jae Yong, người dẫn đầu tập đoàn từ năm 2014 sau khi Chủ tịch Lee Kun Hee nhập viện vì đau tim. “Merger” (sáp nhập) liên quan đến vụ sáp nhập hai công ty con Samsung C&T và Cheil Industries, bị nghi ngờ nhằm củng cố sức ảnh hưởng của ông Lee trong tập đoàn.

Future Strategy Department (FSD - phòng chiến lược tương lai) là tổ chức dưới quyền ông Lee. Ông đóng cửa bộ phận năm 2017 sau khi đối mặt với chỉ trích rằng bộ phận đứng sau bê bối tham nhũng liên quan tới cựu Tổng thống Park Geun Hye. Ông Lee ngồi tù năm 2017 vì hối lộ một người bạn của bà Park nhưng được thả ra năm 2018 sau khi tòa án tối cao Seoul cho hoãn thi hành án 2,5 năm. Vụ án của ông vẫn còn “treo” tại tòa án tối cao.

Nguồn tin nội bộ Samsung ví FSD như “mẹ chồng”, chỉ đạo chi tiết các hoạt động kinh doanh và không được lòng mọi người. Các sếp của bộ phận này còn được trao chức lãnh đạo chi nhánh dù không có chuyên môn.

FSD được thay bằng Business Support Task Force năm 2017 và tiếp tục khuyến khích lợi ích của gia đình chủ nhân Samsung. Park Ju Keun, Chủ tịch hãng phân tích doanh nghiệp Score, nhận xét điều đó cho thấy không có gì thay đổi ở Samsung khi Task Force vẫn đóng vai trò quan trọng trong củng cố sức mạnh “gia đình trị”.

Chủ tịch Chung Hyun Ho, người đứng đầu Task Force, được xem là cánh tay phải của ông Lee. Cả Lee và Chung đều học tại Harvard. Chung từng là chuyên gia nhân sự trước khi phụ trách bộ phận. Nhiệm vụ chính của Task Force là phối hợp kinh doanh giữa các chi nhánh, sáp nhập và thâu tóm, tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới.

Dù vậy, thách thức ngày một lớn hơn khi các mảng kinh doanh của Samsung đều bước vào giai đoạn xáo trộn. Giá chip đang rơi tự do, ảnh hưởng đến mảng bán dẫn phụ trách 28% doanh thu. Lợi nhuận ròng quý đầu năm 2019 giảm tới hơn 60% so với một năm trước, xuống còn 6,23 nghìn tỷ won phần lớn do chip nhớ suy thoái, giảm 34% trong cùng kỳ.

Chiến dịch cấm vận Huawei của Washington đem tới cả thời cơ lẫn đe dọa cho Samsung. Chuyên gia dự báo các nhà sản xuất chip Mỹ có thể giảm giá sâu hơn để giành khách hàng mới trong khi về mảng smartphone lại bị sức ép từ Huawei và các nhà sản xuất Trung Quốc khác.

Trước tình hình khẩn cấp, “thái tử Lee” đã triệu tập các Giám đốc cao cấp từ nhiều bộ phận tới tham dự cuộc họp khẩn ở trụ sở Hwaseong hôm 8/6. Trong cuộc họp, ông nói không nên gắn với hoạt động và cơ hội ngắn hạn mà nên tập trung vào dài hạn và cạnh tranh công nghệ gốc.