Trong khi nhiều ngân hàng trung ương không còn mặn mà với vàng thì Nga lại ở chiều ngược lại. Nước này đã tăng lượng vàng dự trữ gấp bốn lần kể từ năm 2005, hiện đang sở hữu lượng vàng lớn nhất kể từ năm 1993.
Lượng vàng mua ròng được các ngân hàng trung ương mua giảm tới 40% trong quý hai vừa qua, xuống mức thấp nhất kể từ 2011. Theo Bloomberg, kim loại quý này không còn hấp dẫn với các ngân hàng trung ương, đối tượng giữ vàng nhiều nhất hiện nay.
Số liệu từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, khối lượng vàng được các ngân hàng trung ương mua ròng đã giảm mạnh. Đây là quý ba liên tiếp, đánh dấu khoảng thời gian dài nhu cầu giảm ít nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Có những lý do hợp lý để các ngân hàng trung ương tiếp tục dùng vàng như một phần dự trữ của họ, trong đó có chủ trương đa dạng hóa tránh phụ thuộc vào đồng USD. Điều này chủ yếu xảy ra với các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi, khi tỷ lệ phần trăm lượng vàng nắm giữ thấp hơn so với các nền kinh tế phát triển.
Nhu cầu dự trữ vàng nhiều quốc gia giảm mạnh |
Sau khi tăng mạnh 25% thời kỳ nửa năm nay, giá vàng đang giao dịch ở mức 1.323,86 USD/ounce.
Lượng vàng mua vào giảm còn có nguyên nhân từ việc giá vàng tăng mạnh trong nửa năm nay. Bên cạnh đó, ngoại tệ từ xuất khẩu giảm cũng khiến cho các nước không còn quan tâm nhiều tới việc dự trữ vàng.
Theo đánh giá của nhà phân tích hàng hóa, Thorsten Proettel thuộc công ty Landesbank Baden-Wuertemberg, đây có thể là một yếu tố quan trọng cho thị trường. Lượng mua vàng của các ngân hàng trung ương đã giảm mạnh.
Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương giữ vai trò đẩy giá vàng tăng, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2011. Trước đó, lượng dự trữ vàng đã giảm mạnh trong gần hai thập kỷ. Năm 2008, các ngân hàng trung ương đã ngừng bán và chuyển sang mua ròng liên tục. Tính đến tháng 6 năm nay, các ngân hàng trung ương có mức nắm giữ vàng cao nhất trong khoảng 15 năm.
Lượng vàng mua vào giảm cho thấy người mua không còn quan tâm nhiều tới vàng, nhất là các quốc gia có kim ngahcj xuất khẩu giảm. Theo quỹ tiền tệ quốc tế, thương mại toàn cầu nói chung đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2010. Dự trữ ngoại tệ quốc gia cũng giảm 8% từ mức đỉnh điểm hai năm trước đây.
Đơn cử như Trung Quốc, nước dự trữ vàng lớn thứ 5 thế giới, xuất khẩu giảm, chính phủ nước này tập trung vào trái phiếu kho bạc. Thặng dư tài khoản vãng lai đã giảm 1/4 trong vòng một năm nay. Dự trữ ngoại hối cũng giảm 1/5 từ mức khoảng 4 nghìn tỷ USD vào năm 2014. Trong tháng 5, Trung Quốc không đặt mua một lượng vàng nào dự trữ, mà chỉ đặt mua một lượng hạn chế vào tháng 7.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, có 21 quốc gia từ Mozambique tới Mông Cổ tăng dự trữ vàng. Trong năm nay, con số này giảm còn 10 nước, trong đó chỉ có 4 nước mua hơn 1 tấn vàng mỗi nước.
Dự trữ vàng của Venezuela đã giảm 25% trong nửa đầu năm nay trong bối cảnh nước này vật lộn với khủng hoảng kinh tế.
Trong khi nhiều ngân hàng trung ương không còn mặn mà với vàng thì Nga lại ở chiều ngược lại. Nước này đã tăng lượng vàng dự trữ gấp bốn lần kể từ năm 2005, hiện đang sở hữu lượng vàng lớn nhất kể từ năm 1993.
Nếu chỉ tính trong quý 1/2016, theo Hội đồng vàng thế giới, dự trữ vàng của nước Nga đã tăng thêm 45,8 tấn, cao hơn 52% so với cùng kỳ năm trước đó. Hiện tại dự trữ vàng của Nga đã lên tới gần 1.500 tấn.
Vào tháng 6/2015, Phó thống đốc thứ nhất của Ngân hàng Trung ương Nga Dmitry Tulin cho hay giới làm luật có ý định nâng dự trữ quốc tế của Nga lên 500 tỷ USD, trong vòng 3 đến 5 năm.
Nam Hải