Tại tọa đàm Phát triển du lịch y tế - thẩm mỹ công nghệ cao Nhật Bản ngày 25/11, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc công ty Vietfoot Travel, cho biết, trước đây, việc người Việt Nam sang Nhật Bản du lịch kết hợp kiểm tra, chữa trị bệnh vô cùng khó khăn vì không dễ đặt được lịch khám của các bác sĩ, bệnh viện hàng đầu; các vấn đề về xin visa; đi nhỏ lẻ chi phí rất cao và truyền thông về các dòng sản phẩm còn hạn chế.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Nhật Bản có nhiều chính sách ưu đãi thu hút khách du lịch kết hợp chữa bệnh nhằm đón đầu xu hướng khách ngày càng quan tâm đến chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19.
Cùng với sự hợp tác với các tập đoàn y tế - đại diện cho 130 bệnh viện, trung tâm chữa bệnh tại Nhật và các hãng hàng không, khách du lịch Nhật Bản muốn kết hợp khám chữa bệnh được hỗ trợ kiểm tra y tế ngay tại Việt Nam để lựa chọn tour du lịch phù hợp.
Hơn nữa, việc làm visa cũng dễ dàng hơn, không chỉ có thời hạn 1 hay 3 tháng mà tận 3 năm, thuận tiện cho du khách.
Theo ông Phạm Duy Nghĩa, sau 2 năm triển khai hợp tác với các tập đoàn y tế lớn của Nhật Bản, lượng khách Việt Nam có nhu cầu đi Nhật du lịch kết hợp chữa bệnh ngày càng tăng, lên tới cả nghìn người trong năm 2023.
Giá tour du lịch kết hợp y tế dao động từ hơn 60 triệu đến gần 600 triệu đồng/người, thậm chí có tour kết hợp làm liệu pháp tế bào gốc, đi một tuần chi phí gần 1,3 tỷ đồng/người... Các gói dịch vụ y tế được nhiều du khách Việt Nam lựa chọn là khám tổng quát, tầm soát ung thư, lọc máu toàn thân, liệu pháp tế bào gốc,...
Thời gian tới, doanh nghiệp của ông sẽ triển khai 7 sản phẩm du lịch y tế nên ông kỳ vọng năm 2024 sẽ có hơn 2.000 khách Việt Nam vừa du lịch vừa kết hợp khám chữa bệnh tại Nhật Bản.
Ông Yamamoto - Giám đốc phát triển quốc tế, tập đoàn Y tế IMS Nhật Bản, cho hay, tại Nhật Bản, các cơ sở y tế rất phát triển, đặc biệt là việc trị liệu các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Do đó, các bệnh nhân đến từ Việt Nam tăng nhiều so với các năm trước. Ngoài bệnh viện của Nhà nước còn có bệnh viện tư nhân, các cơ sở y tế để xét nghiệm, tầm soát sức khỏe, áp dụng công nghệ cao nhằm phát hiện bệnh sớm, phù hợp với người Việt Nam.
Phó Tổng giám đốc MHC Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Anh, chia sẻ, để đón đầu lượng khách đi du lịch kết hợp chữa bệnh ngày một tăng, ngoài thẩm mỹ công nghệ cao và y tế tái sinh, tập đoàn này dự định mở thêm dịch vụ đưa khách đi tham quan các cơ sở y tế,... Ngoài việc cung cấp dịch vụ y tế tại khu vực Tokyo, sắp tới còn mở rộng sang các vùng khác như Kansai ở Osaka hay Hokkaido để thuận tiện cho khách du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Chi hội lữ hành tỉnh Quảng Ninh, đánh giá, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe là mô hình du lịch mới, cần được nhân rộng. Với thu nhập của người dân Việt Nam từng bước cải thiện, ngày càng quan tâm đến sức khỏe thì chi phí tour chăm sóc sức khỏe quốc gia có nền y tế phát triển như Nhật là khá phù hợp. Khách Việt Nam có thêm nhiều sự lựa chọn, ngoài các điểm đến quen thuộc như Singapore, Thái Lan,…
Về mô hình du lịch kết hợp khám chữa bệnh, ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Quản lý Xúc tiến Du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, thông tin, tất cả các nước đều muốn tăng trải nghiệm cho du khách mà du lịch sức khỏe, du lịch gắn với thiên nhiên rất được quan tâm. Du lịch Việt Nam cũng đang triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới, trong đó có du lịch sức khỏe.
Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lượng khách du lịch đến Việt Nam khám chữa bệnh thời điểm trước dịch Covid-19 tăng dần theo mỗi năm, doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm, có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến khám chữa bệnh, 57.000 lượt khách điều trị, trong đó khoảng 40% lượng khách tập trung tại TPHCM.
Các công ty du lịch cho rằng, thách thức lớn nhất của loại hình du lịch y tế tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là việc làm thế nào để đưa hình ảnh kỹ thuật công nghệ ngành y tế phát triển cùng đội ngũ y bác sĩ xuất sắc và liệu pháp chữa lành Á Đông đến gần hơn với khách quốc tế. Khi chắc chắn niềm tin đặt đúng chỗ, khách hàng mới cân nhắc việc sử dụng dịch vụ y tế của Việt Nam.