- Tổng 2 lô C2, Rồng đỏ bị nhiễm chì vượt ngưỡng lên tới trên 40.000 thùng, tuy nhiên số bị tiêu huỷ chưa đến 1.200 thùng vì doanh nghiệp đã... bán hết.

Luật có nhưng khó bồi thường cá nhân

Chiều qua, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên đã ký quyết định xử phạt công ty URC Hà Nội 5,82 tỉ đồng, trong đó riêng hành vi sản xuất và lưu thông 2 lô nước giải khát C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng bị phạt 5,81 tỉ đồng.

Đây là mức phạt cao nhất từ trước tới nay của Thanh tra Bộ Y tế.

{keywords}

Đoàn thanh tra Bộ Y tế cùng đại diện URC Hà Nội giám sát việc tiêu hủy 2 lô hàng chiều 31/5

Trong đó, lô trà xanh hương chanh C2 (NSX: 4/2/2016 - HSD: 4/2/2017) và lô nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ (NSX: 10/11/2015 - HSD:10/8/2016) có hàm lượng chì lần lượt là 0,085 mg/l và 0,068 mg/l. Trong khi mức công bố của các sản phẩm nói trên là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l.

Chiều cùng ngày, Thanh tra Bộ Y tế đã giám sát việc tiêu huỷ gần 1.200 thùng C2, Rồng đỏ nói trên (tổng khối lượng hơn 10 tấn).

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Nhiên, số lượng tiêu huỷ rất nhỏ so với số đã bán ra. Theo URC, số hàng hoá đã bán ra gần 3,9 tỉ đồng không thể thu hồi, tương đương hơn 40.000 thùng (mỗi lô gồm 23.000 thùng). Điều này đồng nghĩa, hàng nghìn người đã uống phải nước giải khát chứa chì vượt ngưỡng.

Theo TS Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, có 2 vấn đề đáng lưu tâm trong vụ việc này.

Thứ nhất, hàm lượng chì vượt ngưỡng đương nhiên ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Thứ hai là thiệt hại về vật chất. Người tiêu dùng bỏ 1 đồng mua sản phẩm nhưng sản phẩm lại gây hại.

“Theo điều 23 luật Bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng phải sản phẩm nhiễm chì. Tuy nhiên rất khó để trả cho từng cá nhân tiêu dùng cụ thể”, TS Tuấn nói.

Ông cho biết, không chỉ riêng trường hợp URC, nhiều trường hợp trước đó liên quan đến việc thu hồi cũng bị “vướng” tương tự.

“Chúng tôi cho rằng những khoản tiền của người tiêu dùng đã bỏ ra trong những trường hợp như thế này nên được đưa vào ngân khoản sử dụng vào các mục đích phục vụ lợi ích người tiêu dùng. Một phần trong số đó có thể chi cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, TS Tuấn nói.

Chì sẽ tích luỹ trong cơ thể

PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, nếu hàm lượng chì đúng 0,05mg/l, người sử dụng sẽ không bị ngộ độc chì do được thải ra ngoài theo đường nước tiểu, mồ hôi.

“Khi vượt ngưỡng nhiều lần, nguy cơ gây hại cho sức khỏe rất lớn, nhất là đối với trẻ em, đặc biệt trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính bởi chì rất khó thải loại, vào cơ thể chì sẽ theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh… gây bệnh cho trẻ”, PGS Duệ nói.

Tại Trung tâm Chống độc cách đây 3 năm đã từng tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị do nhiễm độc chì trong thuốc nam, thuốc cam.

Còn theo PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, chì là loại kim loại nặng được liệt vào mức độc tính mạnh, nếu nạp hàng ngày với hàm lượng vượt ngưỡng, lâu dần sẽ gây nhiễm độc chì mãn, gây ra tình trạng thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, sốt, ảnh hưởng thần kinh.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, với các trường hợp uống nhiều, liên tục có thể làm xét nghiệm chì, nếu hàm lượng trong máu lớn sẽ phải điều trị thải độc chì.

T.Hạnh