Xu hướng “sống xanh”, thân thiện môi trường
Chị Diệu Hiền (Quận 2, TP.HCM) là quản trị viên của một cộng đồng khuyến khích ăn sạch, sống xanh trên Facebook với hơn 1.500 thành viên, hầu hết là người trẻ, bà mẹ có con nhỏ.
Từ lâu, gia đình chị bỏ hẳn các vật dụng từ nhựa thay thế bằng gỗ, sành, sứ... Mỹ phẩm chị sử dụng cũng ưu tiên các sản phẩm chiết xuất thiên nhiên, sản xuất thủ công. Trong nấu nướng, chị Hiền cũng ưu tiên các nguyên vật liệu nguồn gốc hữu cơ, quá trình nuôi trồng không xả thải ra môi trường.
Một năm trở lại đây, tần suất phải trả lại đồ dùng nhựa của chị Hiền giảm đi bởi ngày càng nhiều cửa hàng chọn lối kinh doanh thân thiện môi trường.
Đơn cử, tại các trung tâm thương mại ở Quận 1, TP.HCM, dễ nhận ra rất nhiều poster thông báo về việc không sử dụng ống hút hay ly nhựa. Họ chọn giải pháp như ống hút tre, inox, bột gạo, hộp mía; ly giấy... cho khách mang đi. Khách uống tại quán còn được nhân viên khuyến khích dùng ly thủy tinh, hạn chế ống hút, nắp nhựa.
Một quán ăn dùng ống hút cỏ thay cho ống hút nhựa - Ảnh: H.Đ |
So với một năm trước đây, lối sống thân thiện với môi trường đã ngày càng lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng dân văn phòng, lao động tri thức.
Muốn “sống xanh” không dễ
Tuy nhiên, chị Hiền cũng chỉ ra thay đổi phần lớn tập trung ở phân khúc cao cấp, phục vụ các khách hàng tri thức. Khu chợ, cửa hàng ăn uống, quán cà phê, trà sữa... là những nơi tiếp xúc, mua hàng mỗi ngày thì vẫn chưa thể bỏ đồ nhựa độc hại.
Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư về phát sinh chất thải nhựa sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines ở châu Á.
Kết quả khảo sát năm 2018 của Cục Kiểm soát Ô nhiễm thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tại 5 tỉnh, thành đại diện cho ba vùng, miền cho thấy bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi một tháng, tương đương một kg túi. Đây là những con số phản ánh thực trạng sử dụng túi ni-lông ở nước ta hiện nay.
Thực tế, không phải nhà hàng, quán ăn nào cũng tạo điều kiện cho khách hàng theo đuổi lối sống thân thiện với môi trường.
Dù biết tác hại đến sức khỏe và môi trường, người mua bị buộc phải sử dụng túi nhựa, bao bì dùng một lần... vì người bán không có giải pháp thay thế. Lý do cốt yếu do giá đồ tái chế, thân thiện môi trường còn cao, ảnh hưởng đến kinh tế của người bán hàng nhỏ lẻ. Người dân cũng khó có thể biết những hàng quán nào cung cấp bao bì thân thiện môi trường, nơi nào cung cấp đồ ăn sạch.
Đựng thức ăn bằng hộp giấy - Ảnh: H.Đ |
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay, việc mua sắm hay gọi thức ăn online đã trở thành một hoạt động quen thuộc của người dân, đặc biệt là dân văn phòng.
Tuy nhiên, khi mua sắm hay gọi thức ăn online, người dùng dù muốn cũng không thể “né" được các loại bao bì. Mặt khác, các doanh nghiệp e-commerce ở vai trò trung gian cũng khó có thể quản lý các nhà bán hàng, từ đó “gian truân” trong việc "xanh hóa" dịch vụ để chăm sóc các khách hàng cấp tiến của mình.
Hàng quán, doanh nghiệp bắt đầu ý thức bảo vệ môi trường
Theo các chuyên gia, lối sống xanh xuất phát từ nhu cầu của mỗi cá nhân, tuy nhiên vẫn cần được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp.
Đầu tháng 4/2019, gần 60 điểm siêu thị, nhà hàng, khu đô thị bắt tay thực hiện chiến dịch 'Earth Day Compostable' nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi ni-lông, thay thế bằng túi bột ngô. Cũng trong tháng, một tập đoàn điện tử lớn hàng đầu cũng tiên phong thay đổi bọc sản phẩm công nghệ bằng ni-lông sang giấy tái chế phân hủy nhanh. Các hoạt động đều nhận sự hưởng ứng tích cực của khách hàng.
Trong lĩnh vực thương mại trực tuyến nói chung và giao thức ăn nói riêng, GrabFood cũng là dịch vụ đầu tiên tổng hợp các hàng quán xanh, sạch tại danh mục Eco-friendly để tạo điều kiện giúp người dùng bảo vệ môi trường. Dịch vụ tập hợp những nhà hàng, quán ăn đáp ứng các tiêu chí: Sử dụng bao bì, dụng cụ thân thiện với môi trường; hoặc có món ăn xuất xứ hữu cơ, tốt cho sức khoẻ người dùng. Theo đó, người dùng thông qua vài thao tác trên smartphone là có thể tìm các hàng quán cung cấp thực phẩm xanh, sạch.
Tính năng phụ trợ này là một trong những giải pháp thiết thực để người dùng duy trì lối sống xanh ngay cả khi sử dụng dịch vụ giao thức ăn, phần nào đưa ra lời giải cho bài toán khó về sự tiện lợi trong cuộc sống cho người dùng. Mặt khác, các nhà hàng, quán ăn theo tiêu chí xanh, sạch cũng dễ dàng tiếp cận đến nhiều người dùng hơn, lan toả hơn nữa lối sống xanh trong cộng đồng.