Hơn 2 tháng kể từ khi bị Mỹ liệt vào danh sách đen, tình hình hoạt động của Huawei vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ bị hạn chế về công nghệ mua từ Mỹ, các bộ phận nghiên cứu, phát triển của công ty này cũng gặp khó.
Theo WSJ, công ty nghiên cứu và phát triển của Huawei tại Mỹ, có tên Futurewei Technologies sắp cho hàng trăm nhân viên nghỉ việc. Futurewei có những chi nhánh đặt tại Texas, California và Washington, với khoảng 850 nhân viên trong các bộ phận nghiên cứu.
Huawei có chi nhánh nghiên cứu và phát triển tại Mỹ có tên Futurewei, nhưng chính nhân viên của Futurewei cũng bị hạn chế khi liên lạc, trao đổi công nghệ với công ty mẹ. Ảnh: Bloomberg. |
Thông tin nghỉ việc đã được thông báo với một số nhân viên, và Futurewei sẽ thông báo thêm về những nhân viên bị buộc nghỉ việc trong thời gian tới. WSJ cũng cho biết những nhân viên Trung Quốc bị cho nghỉ việc vẫn có lựa chọn trở về nhà và tiếp tục làm cho Huawei.
Vào tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei và hàng chục chi nhánh vào bản danh sách hạn chế mua bán công nghệ từ Mỹ. Tuy Futurewei không nằm trong danh sách này, nhân viên của họ vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhân viên của Futurewei bị hạn chế liên lạc với đồng nghiệp tại đại bản doanh ở Trung Quốc.
Theo Reuters, vào cuối tháng 6 Futurewei đã có nhiều động thái để chứng tỏ sự độc lập với Huawei. Họ cấm nhân viên Huawei vào văn phòng, chuyển sang hệ thống dữ liệu mới và ngừng sử dụng tên hoặc logo Huawei khi giao tiếp với bên ngoài. Động thái này được đưa ra sau khi nhiều đại học tại Mỹ ngừng các chương trình nghiên cứu với Huawei.
Futurewei đã có nhiều động thái để chứng tỏ sự độc lập với Huawei từ tháng 6. Ảnh: Reuters. |
Ông Kevin Wolf, luật sư từng làm việc tại Bộ Thương mại Mỹ cho rằng lệnh cấm yêu cầu các công ty Mỹ không bán hoặc chuyển nhượng bất kỳ công nghệ nào của Mỹ cho Huawei mà không có giấy phép. Do đó, chính việc trao đổi công nghệ giữa Futurewei và những chi nhánh khác cũng là trái pháp luật.
Lệnh cấm này đã ảnh hưởng mạnh tới tình hình kinh doanh của Huawei. CEO và nhà sáng lập Nhậm Chính Phi cho biết lệnh cấm khiến công ty thiệt hại khoảng 30 tỷ USD doanh thu trong 2 năm. Tuy nhiên, trong những phát biểu gần đây các đại diện của Huawei đều cho biết tình hình đang trở nên khả quan hơn.
Ông Nhậm cho biết mảng smartphone tại thị trường nước ngoài của Huawei đã khôi phục "nhanh hơn dự kiến". Chủ tịch Liang Hua thì nói rằng "tình hình kinh doanh của Huawei vẫn ổn định kể từ lệnh cấm". Tuy nhiên, ông Hua cũng bày tỏ quan điểm Mỹ cần bỏ Huawei khỏi danh sách đen, thay vì chỉ tạm thời cấp phép bán công nghệ.