Sản phẩm chanh dây và sầu riêng cấp đông là 2 trong nhiều nông sản Việt bán chạy trên thương mại điện tử Alibaba.com (Trung Quốc). Theo thống kê, nông sản, thực phẩm, đồ uống là những sản phẩm nằm trong top 10 mặt hàng bán chạy trên sàn thương mại điện tử này.

Ông Roger Lou, Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam cho hay, hơn 70% nhà cung cấp tại Việt Nam được đánh giá từ 2 sao trở lên. Các ngành hàng của Việt Nam bao gồm thực phẩm đồ uống, nông nghiệp, nhà cửa và vườn, làm đẹp và chăm sóc cá nhân, đồ nội thất,... Trên 800.000 sản phẩm được niêm yết. Hơn 70.000 tin nhắn quan tâm đến mua hàng mỗi tháng trên toàn thế giới. 

Amazon Global Selling Việt Nam vừa công bố gần 10 triệu sản phẩm hàng Việt bán trên sàn thương mại điện tử này năm 2022, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng đối tác bán hàng tại Việt Nam vượt mốc doanh số 500.000 USD khi kinh doanh tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sầu riêng bán trên sàn thương mại điện tử. 

Top danh mục các ngành hàng bán chạy hàng đầu của các đối tác bán hàng Việt trên Amazon bao gồm: nhà bếp, nhà cửa, dệt may, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân, tiện ích gia đình. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ như AnEco, Lafooco, Sunhouse, HMG thành công khi bán hàng trên Amazon.

Theo Báo cáo viễn cảnh B2B kỹ thuật số thường niên năm 2023 của AliResearch, thương mại điện tử xuyên biên giới không còn là sân chơi chỉ dành cho những thương hiệu lớn. Đây là một kênh hiệu quả cho các doanh nghiệp nhỏ không có kinh nghiệm hoặc kiến thức về xuất khẩu, hoặc không đủ khả năng chi trả chi phí đi lại và hội chợ thương mại truyền thống.  

Báo cáo Hoạt động trao quyền cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Amazon Global Selling cũng cho thấy, cách các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức suốt 12 tháng qua, sự tự tin và mạnh dạn thử nghiệm mô hình kinh doanh mới và kết quả tăng trưởng doanh số từ hoạt động bán hàng và xuất khẩu online.

Hàng Việt xuất khẩu trực tuyến. (Ảnh: Duy Anh)

Đánh giá về tiềm năng, ông Dương Khánh Toàn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quốc tế Công ty cổ phần Cà phê Mê Trang, cho biết, việc tiếp thị truyền thống để phát triển kinh doanh quốc tế là quá tốn kém. Thời gian tới, doanh nghiệp đầu tư nhiều tiền hơn vào thương mại điện tử xuyên biên bởi chi phí tiết kiệm nhất trên thị trường. 

Ông Bùi Thế Anh, CEO 5S Hair, đánh giá, tiềm năng mở rộng thị trường thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới rất lớn, vấn đề chỉ là thời gian và cách thực hiện.

Về phía các sàn thương mại điện tử, ông Roger Lou, Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam, đánh giá, Việt Nam vẫn luôn là một trong những thị trường chiến lược nhất của Alibaba. Hiện, các nhà cung cấp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương. 

“Chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam và thiết lập một hệ sinh thái bản địa, bao gồm đối tác kênh nội địa, đội ngũ dịch vụ và phát triển khách hàng nội địa, đội ngũ vận hành thị trường, nhằm không ngừng cải thiện năng lực tổ chức của các đội ngũ bản địa”, ông nói.

Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam đánh giá, 3 năm qua, đơn vị này đồng hành cùng hàng nghìn doanh nghiệp trong nước trên hành trình xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. 

Thời gian tới, họ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đưa thêm nhiều thương hiệu Việt Nam gia nhập thị trường thương mại quốc tế và hướng ra toàn cầu thông qua bán hàng xuyên biên giới.

Theo đánh giá, xuất khẩu qua thương mại điện tử nhiều tiềm năng nhưng cạnh tranh rất lớn trong thời gian tới. Để thể thành công, các doanh nghiệp cần có kỹ năng đàm phán tốt, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và đầu tư nhân sự quản lý vận hành gian hàng hàng trực tuyến.