Trở về chung cư sau chuyến đi công tác Hà Nội, anh Tiến Mạnh (quận 9, TP.HCM) gặp hàng xóm ở căn hộ đối diện cũng di chuyển về từ sân bay Tân Sơn Nhất. Sau màn trò chuyện ít phút, họ vỡ lẽ cả hai cùng đi taxi trên một tuyến đường, nhưng chi phí chênh nhau hơn 100.000 đồng.

Trong khi anh Tiến Mạnh chỉ tốn 246.000 đồng đi taxi Mai Linh từ sân bay về nhà, thì người hàng xóm mất 350.000 đồng cho chuyến xe cùng tài xế Avigo.

Chèo kéo khách bằng giá "trên trời"

Những ngày qua, sau quyết định phân làn xe ở sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài các ý kiến phản đối thì vẫn có một bộ phận người dân cho rằng hành khách có quyền lựa chọn đi taxi truyền thống để tiết kiệm thời gian và công sức.

Taxi truyền thống ở sân bay gồm các hãng taxi như Vinasun, Mai Linh, Vina, Saigontourist và các hãng xe hợp đồng gồm SASCO, SATSCO, Sóng Việt, ACV Unico, Avigo, Công đoàn Cảng vụ Hàng không Miền Nam.

Tuy vậy, anh Tiến Mạnh cho rằng các loại hình này chưa tạo được niềm tin cho hành khách. Trải nghiệm vừa qua của anh và hàng xóm cho thấy một phần lý do hành khách vẫn quyết chịu cực khổ để đi xe công nghệ, thay vì sử dụng taxi hay xe hợp đồng của sân bay.

{keywords}
Hành khách cho rằng các hãng taxi truyền thống chưa tạo dựng được niềm tin cho khách hàng. Ảnh: Việt Đức.

Đáp chuyến bay xuống Tân Sơn Nhất, chị Phương Thảo đặt xe GrabCar như thường lệ. Ứng dụng báo giá 100.000 đồng cho chuyến xe đến đường Bãi Sậy, quận 6 (khoảng 10 km), sau khi khuyến mại còn 80.000 đồng. Thế nhưng, chị đành bỏ cuộc sau 30 phút không tìm được tài xế.

"Tôi còn có hẹn nên đành hủy chuyến Grab, gọi taxi truyền thống. Mới đến làn D là rất nhiều cò và tài xế xe hợp đồng chèo kéo. Tôi đọc địa chỉ, họ báo giá 300.000 đồng, gấp 3 lần Grab, nhưng biết sao được. Họ thậm chí còn viết hóa đơn và bắt tôi thanh toán trước rồi mới chở đi. Dịch vụ tệ quá", chị Phương Thảo kể.

Tương tự, một bạn đọc khác cũng chia sẻ với Zing: "Tôi là nạn nhân bị taxi 'chém đẹp' hôm đầu tiên áp dụng quy định phân làn mới".

"Tôi cần đi gấp kịp dự đám cưới, tài xế GrabCar bảo phải lên tầng 5 bãi đậu xe mà nhìn cảnh mọi người đông đúc chỗ thang máy nên tôi đành bỏ cuộc. Leo lên taxi Vinasun, nghe nói đi tới Lê Văn Sỹ là tài xế bảo phải trả 150.000 đồng vì phải đợi 3 tiếng đồng hồ ở sân bay mới tới lượt. Gấp quá nên tôi bấm bụng mà đi thôi", người này nói.

Thực tế, tài xế xe hợp đồng của chị Phương Thảo khẳng định, giá cước do cò đặt ra, ông không được quyền can thiệp. Tài xế chỉ làm việc trong ca được phân công và nhận lương cứng khoảng 5-6 triệu đồng kèm hoa hồng từ hãng.

Theo chị Ngọc Anh (quận Bình Thạnh, TP.HCM), trường hợp chặt chém chỉ xảy ra ở một số taxi áp dụng hình thức khoán giá. Còn với các hãng tính tiền theo số km, đặc biệt là Vinasun và Mai Linh, giá cước đã được niêm yết rõ ràng. Chỉ khi tài xế cố tình đi lòng vòng để kéo dài quãng đường thì chi phí mới tăng cao.

Mặc dù vậy, chị Ngọc Anh cho biết vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với dịch vụ của những hãng này. Cuối tuần vừa qua, chị mất 30 phút để thuyết phục các tài xế Vinasun và Mai Linh chở về nhà ở cách sân bay 6 km.

"Họ từ chối nhận cuốc ngắn vì ít tiền, không bõ công họ xếp hàng chờ vào sân bay. Nếu tôi muốn đi, họ yêu cầu được tắt đồng hồ tính km và chạy theo giá khoán cũng khá cao", chị Ngọc Anh chia sẻ.

Chưa kể, nếu thanh toán bằng tiền mặt, trong một số trường hợp chị sẽ mặc nhiên phải tip cho tài xế, bởi tài xế không trả lại tiền thừa.

"Tài xế chặt chém thì còn đâu thương hiệu taxi gây dựng bao năm qua"

Chia sẻ xoay quanh những bất cập này, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM khẳng định các hãng taxi đều kiên quyết xử lý nghiêm tài xế vi phạm quy định.

"Tài xế nào chê cuốc gần, lấy thêm tiền của khách, hay có thái độ phục vụ không tốt thì không được là tài xế Vinasun nữa. Tất nhiên có thể vẫn còn những người chưa làm tốt, nhưng không phải tất cả. Quan điểm của các hãng là xử lý đến cùng", ông Tạ Long Hỷ nhấn mạnh.

{keywords}
 

Tuy nhiên, từ phía tài xế taxi, một số người cho biết vừa mất thời gian dài xếp hàng chờ đợi, có khi lên đến hàng tiếng đồng hồ, vừa tốn tiền "lót tay" khoảng 50.000 đồng/lượt cho nhân viên sắp xếp phương tiện ở sân bay để được đi cuốc xa.

"Nếu đi quãng đường gần quá, hoặc không có thêm tiền từ khách, thì chúng tôi lỗ mất", một tài xế chia sẻ.

Ông Hỷ cũng thừa nhận hiện tượng này có xảy ra trước đây, nhất là khi taxi còn được đón khách ở làn C. Tuy nhiên, ông khẳng định đã sa thải những tài xế thực hiện hành vi này. Hiện tại, song song với việc phân làn lại, các xe cũng phải xếp hàng và phục vụ khách theo thứ tự, bất kể cuốc xa hay gần.

"Đây là chuyện thường tình của lái xe. Chúng tôi không có hỗ trợ gì, vì ai cũng có lúc đi cuốc gần, lúc đi cuốc xa, phân bổ ngẫu nhiên", vị lãnh đạo Vinasun chia sẻ.

Do đó, ông Tạ Long Hỷ đề nghị hành khách ghi nhớ biển số xe hoặc thông tin tài xế và báo cáo lên tổng đài để các hãng taxi xử lý. "Tài xế chặt chém thì còn đâu thương hiệu taxi gây dựng bao năm qua", ông nói.

Nhưng nhìn chung, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết rất ủng hộ phương án phân làn hiện nay, bởi sự lộn xộn của các xe cá nhân, xe hợp đồng, xe công nghệ ở làn A, B đã không còn.

Đồng thời, mỗi hãng taxi đều phải đấu thầu từng vị trí đậu xe và chi hàng tỷ đồng mỗi năm theo hợp đồng nhượng quyền khai thác vận tải hành khách tại cảng. Do đó, ông cho rằng việc các xe của Grab, Be phải đón khách ở tầng cao trong bãi đậu xe là hợp lý.

Những ngày qua, ông đánh giá lượng khách của Vinasun nhìn chung chưa có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, tâm lý của tài xế đã dần ổn định, có thể yên tâm đến lượt rồi đón khách chứ không cần tranh giành, chèo kéo quá nhiều như trước.

(Theo Zing)