Trong bức thư tay gửi mẹ nhân ngày 27/2, cháu Trần Thiên An, 8 tuổi viết: “Mẹ ơi. Sao mẹ không về với chúng con, mẹ lại nói chuyện với chúng con qua Zalo (điện thoại). Em Mai bảo mẹ đừng làm bác sĩ nữa.

Lúc đầu, con cũng thấy chạnh lòng vì nhớ mẹ. Nhưng con lại thấy tự hào vì có mẹ là bác sĩ ngày đêm phòng chống dịch Covid-19.

Mẹ ơi. Mẹ cứ yên tâm ở bên đó để phòng chống dịch Covid-19 cứu mọi người, mẹ nhé. Chúng con ở nhà đã có ông bà trông nom”.

Mẹ của An và em gái 4 tuổi (Mai) là bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, sinh năm 1985, trạm phó trạm y tế xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Đã 1 tháng nay, kể từ ngày Sơn Lôi có dịch, chị Hương không thể về nhà gặp gia đình và các con.

Cô con gái út ngây ngô vẫn hay hỏi mẹ: “Sao chúng con được nghỉ, cô giáo cũng được nghỉ mà mẹ vẫn phải đi làm”. Con gái lớn hiểu chuyện hơn, ngày nào cũng tíu tít qua cuộc gọi video: “Mẹ ơi, mẹ đã diệt được con virus chưa. Con thấy mẹ gầy đi rồi. Mẹ gầy đi là xinh hơn đấy”.

{keywords}
 
{keywords}
Bức thư tay của con gái 8 tuổi tặng chị Hương nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2

Chị Hương và các đồng nghiệp của mình túc trực 24/24 tại trạm y tế xã ngay từ khi ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên ở Sơn Lôi (nữ công nhân Nguyễn Thị Dự) được công bố. Trạm y tế xã Sơn Lôi có 7 nhân viên, đều rơi vào trạng thái quá tải công việc trong những ngày đầu tiên.

Hàng ngày, các y bác sĩ chia nhau làm công tác phun khử khuẩn nơi ở của ca dương tính, khai thác thông tin, theo dõi sức khỏe, đo nhiệt độ tất cả các trường hợp tiếp xúc gần. Bên cạnh đó, họ vẫn phải đảm bảo công tác khám và điều trị bệnh, trực cấp cứu tại cơ sở.

Những ngày đầu chống dịch, mọi sinh hoạt của chị Hương bị đảo lộn hoàn toàn. Có những hôm làm việc xuyên trưa, cũng có những hôm đến đêm vẫn còn dang dở với báo cáo, số liệu,…

“Bận rộn tới nỗi, tôi thậm chí còn không có cả thời gian nhớ con hay nghĩ về bất cứ việc gì khác. Con gọi điện khi nào cũng thấy mẹ đang ăn mì”, chị Hương cười, bảo.

{keywords}
 
{keywords}
Các y bác sĩ gần như rơi vào trạng thái quá tải công việc trong những ngày đầu dịch

Ngày 13/2, Trạm y tế xã Sơn Lôi được điều động thêm 21 y bác sĩ từ tuyến trung ương, địa phương để tăng cường công tác chống dịch Covid-19. Lúc này, trạm y tế vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh thông thường, vừa kiêm nhiệm việc khám sàng lọc và vận chuyển kịp thời các bệnh nhân nghi nghiễm Covid-19.

Hai xe cấp cứu luôn trực sẵn, một xe vận chuyển các bệnh nhân nặng, các trường hợp cấp cứu, dự sinh tới bệnh viện tuyến cao hơn. Xe còn lại vận chuyển các trường hợp nghi nhiễm về Trung tâm điều trị Covid-19 thuộc Trung tâm Y tế huyện.

Các y bác sĩ phải vượt qua khó khăn là làm sao để người dân hiểu và chấp hành tuyệt đối các nguyên tắc cách ly trong thời điểm toàn bộ Sơn Lôi bị phong tỏa.

“Có bệnh nhân rất muốn được ra ngoài, họ viện cớ đi khám và yêu cầu được chuyển tuyến. Khi ấy, nhân viên y tế vừa phải mềm mỏng giải thích, thậm chí đưa ra các yêu cầu cứng rắn để họ nghiêm chỉnh chấp hành”, bác sĩ Hương cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương cùng gia đình sống ở xã Hương Canh, huyện Bình Xuyên, nơi cách Trung tâm y tế Sơn Lôi khoảng 3km.

Khoảng cách tưởng như rất gần, nhưng hơn  tháng nay, chị Hương chỉ có thể nhìn hai con qua màn hình điện thoại. Đó có lẽ là khó khăn lớn nhất với chị mỗi khi ngơi nghỉ công việc.

Những ngày dịch diễn biến phức tạp, bác sĩ Hương lo lắng cho gia đình rất nhiều. Mỗi ngày, chị đều tranh thủ gọi về để hướng dẫn mọi người rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách,… Tối đến, nhìn thấy hai đứa trẻ tíu tít trong cuộc gọi video, chị lại ước có thể đến ôm con.

{keywords}
Chị Hương tranh thủ gọi video về cho gia đình khi ngơi việc

Thế nhưng, vào những lúc yếu lòng như thế, chị Hương luôn có một động lực rất lớn để vượt qua - cũng chính là gia đình.

“Bố mẹ tôi, ông xã và hai đứa trẻ đều gọi điện thoại động viên tôi mỗi ngày. Đứa út lúc đầu còn buồn nhiều, nhưng bây giờ cháu đã hiểu chuyện hơn. Hai chị em đều rất tự hào về mẹ và ước mơ làm bác sĩ để được chữa bệnh cho mọi người”, chị Hương kể.

0h00 ngày 4/3, xã Sơn Lôi chính thức được gỡ lệnh phong tỏa. Trước giờ phút quan trọng, chị Hương háo hức gọi về cho gia đình.

Chồng chị Hương không giấu nổi niềm hạnh phúc trong ánh mắt. Anh bảo, chỉ chờ vợ về, anh sẽ mời anh em bạn bè một bữa thật ngon. Trước đó, anh không tham gia bất cứ cuộc vui nào vì vắng vợ.

Hai đứa trẻ thậm chí còn đòi bố đưa đi xem “hội” gỡ bỏ cách ly ở Sơn Lôi để được nhìn thấy mẹ chút ít.

Chị Hương chia sẻ, hạnh phúc với những người làm công tác y tế như chị là xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên và toàn tỉnh Vĩnh Phúc đều không còn có ca mắc Covid-19 nữa. Từ nay, cuộc sống của người dân sẽ được trở về bình thường.

“Và niềm hạnh phúc lớn khác là ngày mai, tôi sẽ được về nhà, về với gia đình, các con của tôi”, chị Hương cười rạng rỡ.

Nguyễn Liên

Thiếu úy công an hoãn đám cưới để nhận nhiệm vụ ở bệnh viện tâm dịch Covid-19

Thiếu úy công an hoãn đám cưới để nhận nhiệm vụ ở bệnh viện tâm dịch Covid-19

 - Cặp nhẫn cưới nằm gọn trong ngăn tủ. Những bức ảnh cưới còn chưa kịp làm khung. Đám cưới của Thiếu úy Tuấn phải hoãn lại, nhưng anh cũng chưa biết bao giờ mới có thể định lại ngày cưới của mình.