Bảo tàng sống của đa dạng sinh học

Tọa lạc tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Trạm ĐDSH Mê Linh thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Với diện tích khoảng 170ha, Trạm không chỉ là nơi nghiên cứu, bảo tồn mà còn là một minh chứng sống động cho khả năng phục hồi, sức sống của thiên nhiên.

“25 năm trước, nơi đây gần như không còn cây gỗ lớn, không còn bóng dáng động vật hoang dã. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, khu rừng đã từng bước được phủ xanh tái tạo lại các trạng thái rừng tự nhiên ở nhiều mức độ khác nhau”, ông Đặng Huy Phương, Trưởng Trạm ĐDSH Mê Linh chia sẻ.

W-mê linh.jpeg
Khu rừng từng bước được phủ xanh, tái tạo lại các trạng thái rừng tự nhiên

Hiện nay, Trạm ĐDSH Mê Linh là một trung tâm nghiên cứu và bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã tại Việt Nam. Trạm không chỉ là nơi lưu giữ những mẫu vật quý hiếm, mà còn là nôi ươm mầm cho sự đa dạng sinh học của cả nước.

Trạm là một bảo tàng sống động, nơi lưu giữ bộ sưu tập mẫu vật sống của hàng trăm loài động, thực vật hoang dã. Đặc biệt, Trạm chú trọng vào việc bảo tồn các loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái.

Trạm là mái nhà chung của 852 loài và dưới loài thực vật có mạch, thuộc 5 ngành thực vật khác nhau. Trong đó, nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Trạm còn là nơi cứu hộ và bảo tồn 27 loài động vật hoang dã, bao gồm các loài Linh trưởng, Rùa, nhóm Thạch sùng, nhóm Cá cóc và đặc biệt là loài thằn lằn cá sấu quý hiếm.

“Chúng tôi cũng đã di thực và trồng thành công 127 loài thực vật với mục đích bảo tồn. Trong đó, có 16 loài trong Sách Đỏ Việt Nam và 18 loài trong Danh lục Đỏ IUCN”, ông Phương cho biết thêm.

W-thằn lằn.jpeg
Ông Đặng Huy Phương làm "bà đỡ" mát tay cho nhiều cá thể thằn lằn cá sấu quý hiếm ra đời và phát triển tốt.

Không chỉ là nơi nghiên cứu, Trạm còn là mái nhà an toàn cho các loài động, thực vật hoang dã bị đe dọa. Tại đây, chúng được chăm sóc, phục hồi và thả về tự nhiên khi đủ điều kiện. Đây là một nỗ lực đáng quý trong việc bảo vệ sự đa dạng sinh học và duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái.

Trạm không chỉ là nơi nghiên cứu khoa học, mà còn là điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thiên nhiên. Với không gian xanh mát, hệ sinh thái đa dạng và các hoạt động giáo dục môi trường phong phú, Trạm mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị và bổ ích.

Không chỉ hoạt động trong phạm vi quốc gia, Trạm ĐDSH Mê Linh còn tích cực tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và đóng góp vào sự phát triển bền vững của toàn cầu. Trạm là điểm đến không thể bỏ qua cho những ai yêu thiên nhiên và muốn tìm hiểu về sự đa dạng sinh học của đất nước.

“Phòng thí nghiệm sống” lý tưởng để nghiên cứu biến đổi khí hậu

TS. Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên đa dạng sinh học là vấn đề cấp bách, đòi hỏi những nghiên cứu chuyên sâu và hành động cụ thể.

Với với vị trí thứ 14 trong 20 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, đạt chỉ số đa dạng 216,97 (theo World Population Review, 2024), Việt Nam cũng là quốc gia chịu nhiều tác động rõ rệt từ biến đổi khí hậu. Trạm Đa dạng Sinh học Mê Linh, nằm trong vùng khí hậu 4 mùa đặc trưng của miền Bắc, là một “phòng thí nghiệm sống” lý tưởng để nghiên cứu những ảnh hưởng này.

W-ts hung anh 1 (1).jpeg
TS. Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật

Sự đa dạng sinh học của Trạm Mê Linh đóng vai trò như một hệ thống cảnh báo sớm về tác động của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học có thể quan sát và ghi nhận những thay đổi trong quần thể thực vật và động vật, từ đó đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố như nhiệt độ, lượng mưa và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Trạm đã và đang tiến hành nhiều nghiên cứu quan trọng, từ việc quan sát sự thay đổi của các loài sinh vật theo mùa, đến việc phân tích khả năng thích nghi của chúng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt hơn.

TS. Lê Hùng Anh cho hay: “Chúng tôi đã tiến hành nhiều nghiên cứu về sự thay đổi của các quần thể thực vật và động vật trong điều kiện khí hậu khác nhau. Những nghiên cứu này cung cấp thông tin quan trọng về khả năng thích ứng của các loài, giúp dự đoán những tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu trong tương lai.

Ví dụ, việc nghiên cứu sự thay đổi của các loài cây trong rừng Mê Linh (thông qua theo dõi 04 ô tiêu chuẩn thực vật để đo đạc, giám sát hằng tháng trong năm) có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách thức rừng phản ứng với sự gia tăng nhiệt độ, thay đổi lượng mưa, tích lũy cacbon. Điều này có thể giúp đưa ra các biện pháp quản lý rừng hiệu quả hơn, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (giảm thiểu khí nhà kính, chương trình net zero) và bảo vệ đa dạng sinh học”.

TS. Lê Hùng Anh cũng nhấn mạnh những phát hiện đáng chú ý từ nghiên cứu về các loài sinh vật biến nhiệt (trú trọng ở nhóm lưỡng cư và bò sát), cho thấy những thay đổi đáng kể trong tập tính sinh học, sinh trưởng và phát triển của chúng dưới tác động của biến đổi khí hậu. "Những kết quả này không chỉ có giá trị khoa học mà còn là cơ sở quan trọng để xây dựng các mô hình dự báo và đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp", ông chia sẻ.

TS. Lê Hùng Anh cho biết, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, như trí tuệ nhân tạo (AI) và các mô hình dự báo, chúng ta có thể đưa ra những dự báo chính xác về tác động của biến đổi khí hậu lên đa dạng sinh học Việt Nam trong tương lai, từ đó đề xuất các giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Trạm ĐDSH Mê Linh không chỉ là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà khoa học trong nước mà còn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trạm đã và đang hợp tác với nhiều tổ chức và trường đại học nước ngoài trong các dự án nghiên cứu về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi tin rằng việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các đối tác quốc tế là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu của Trạm mà còn góp phần vào nỗ lực chung của thế giới trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu”, TS. Lê Hùng Anh khẳng định.