Ngày 18/5 tại Đường sách TP.HCM, Nhà xuất bản Trẻ (NXB) tổ chức buổi giao lưu kỷ niệm 25 năm thành lập Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh.
Chương trình Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh lần đầu ra mắt vào năm 1999 với tên gọi 30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ. Chương trình do Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, khi đó là Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Trẻ đề xuất nhằm hưởng ứng cuộc vận động “30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ” của Trung ương.
Ngày 7/11/2006, nhân dịp Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 06 - CT/TW về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, NXB Trẻ đổi tên tủ sách thành Di sản Hồ Chí Minh.
Sau 25 năm, từ 20 tác phẩm đầu tiên, tủ sách hiện có 60 tựa sách với 600 nghìn bản in được giới thiệu đến đông đảo bạn đọc. Ngoài các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tủ sách còn có nhiều cuốn sách có giá trị cao như: Bác Hồ viết di chúc của Vũ Kỳ, Nguyễn Ái Quốc & vụ án Hồng Kông năm 1931 của Nguyễn Văn Khoan, Hồ Chí Minh với ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của Vũ Trung Kiên... Trong đó, cuốn sách Di chúc của Bác Hồ - Một giáo trình tiếng Việt độc đáo của nhà báo Dương Thành Truyền được in đến lần thứ 6.
Đại diện nhóm biên tập Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc tái bản nhiều lần cho thấy sách nhận được nhiều ủng hộ của độc giả.
Các loại sách lý luận, chính trị, pháp luật thường gặp khó khăn trong việc thu hút giới trẻ. Vì loại sách này thiếu phong phú, chưa đa dạng về mặt hình thức và thường được diễn đạt theo lối văn trang trọng, chuẩn mực, kinh điển. Thế nhưng, sự thành công về mặt doanh thu của những bộ sách thuộc Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh cho thấy tầm quan trọng của việc đổi mới, tuyên truyền.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt cho rằng, những cuốn sách khổ nhỏ, dung lượng vừa phải, với nội dung được chuyển tải ngắn gọn, dễ hiểu, theo từng chủ đề giúp sách trở nên tiện dụng, gần gũi và dễ đi vào đời sống hơn.
“Cách chúng tôi khai thác vốn tài sản vô giá của Bác cũng là lý do cho sự tồn tại và thành công suốt 25 năm của tủ sách. Việc khai thác tài sản của Bác không chỉ ở những tác phẩm mà còn mở rộng đến những câu chuyện, tình cảm người dân dành cho Bác”, TS Quách Thu Nguyệt chia sẻ.
Trong bối cảnh nhu cầu đọc sách của giới trẻ đang ngày càng số hoá, NXB Trẻ đều đặn giới thiệu những đầu sách mới hàng năm với những hình thức ngày càng cải tiến để phù hợp với nhiều đối tượng hơn, đặc biệt với thanh thiếu niên. Từ năm 2023, NXB Trẻ đã số hóa và xuất bản trọn bộ sách điện tử Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Sổ tay không gian văn hóa Hồ Chí Minh được phát hành dưới dạng sách giấy và sách điện tử để bạn đọc tải dùng miễn phí.
Trong buổi giao lưu, các khách mời đều cho rằng di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn. Người Việt cần tiếp nối, duy trì những giá trị mà Bác Hồ để lại bằng nhiều hình thức khác nhau, để tinh thần Hồ Chí Minh lan tỏa sâu rộng trong đời sống, học tập.
Theo đó, những diễn giả cũng chia sẻ mong muốn khuyến khích những người trẻ và có niềm đam mê lịch sử đồng hành nghiên cứu và sáng tác các câu chuyện về Bác. Theo nhà báo Dương Thành Truyền, Bác để lại cho chúng ta tấm gương về sự lao động và cần mẫn với ngôn từ. Di chúc của Người chỉ có 1000 chữ nhưng Người viết đi viết lại suốt 4 năm để sửa và bổ sung.
“Viết cũng là một cách để học hỏi và chiêm nghiệm. Bản thân tôi mong rằng người trẻ cũng có thể chọn một câu chuyện, một cuốn sách nghiên để nghiên cứu, suy ngẫm. Hành động này các bạn đã góp sức mình vào tủ sách Di sản Hồ Chí Minh”, ông tâm sự.
Cũng trong ngày 18/5, bộ sách mới và mô hình Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh cũng được tổ chức triển lãm. Tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Hải, tác giả cuốn Học Bác lòng ta trong sáng hơn cho biết: “Tư tưởng của Bác sống mãi với chúng ta, mãi còn giá trị và ý nghĩa trong việc dạy dỗ, rèn luyện đạo đức từ cán bộ đến nhân dân".
Thanh Trúc - Ngọc Phụng