Hiện thực tệ hại của nữ giới khởi nghiệp
Huy động vốn là nhiệm vụ đầy thử thách đối với các nhà sáng lập khởi nghiệp nói chung, nhưng chuyện còn khó khăn hơn đối với các doanh nhân nữ. Theo công ty nghiên cứu thị trường PitchBook, trong năm 2019, các công ty khởi nghiệp ở Mỹ có CEO là nữ chỉ chiếm 13,5% trong tổng số vốn được đầu tư mạo hiểm.
Trên toàn cầu, chưa đến 5% tổng vốn đầu tư mạo hiểm đến với những công ty khởi nghiệp do nữ giới lãnh đạo. Trước đó một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Harvard đã chỉ ra, các doanh nhân nam có khả năng nhận được tài trợ sau buổi thuyết trình gọi vốn cao hơn 60% so với doanh nhân nữ.
Thực trạng tệ hại có thể được hình dung qua lời kể của Lauren Foundos, CEO nền tảng tập thể dục online Forte, sau những lần gặp gỡ giới đầu tư: “Có một vài trường hợp, khi tôi còn chưa kịp nói gì, họ đã hỏi liệu tôi đã từng nghĩ đến chuyện từ chức CEO chưa”. Trong khi đó theo tổ chức Women Who Tech, khoảng 44% nhà sáng lập nữ bị quấy rối khi gọi vốn.
Ở Châu Phi, tình trạng bất bình đẳng giới chắc hẳn không khả quan hơn. Theo chỉ số năm 2020, trong các công ty khởi nghiệp ở khu vực Tây Phi có nữ giới tham gia sáng lập, chỉ 10% huy động vốn thành công trên 1 triệu USD trong cả thập kỷ qua. Tổng chênh lệch vốn đầu tư giữa 2 giới được ước tính vào khoảng 42 tỷ USD.
Những chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thực ra cũng có từ sớm. Nhưng theo Eloho Omame, CEO của tổ chức hiệp hội doanh nghiệp Endeavor Nigeria, hệ thống hỗ trợ thường có xu hướng đào tạo nhiều, đầu tư ít.
Châu Phi bắt đầu chống bất bình đẳng giới trong khởi nghiệp
Một số quỹ đầu tư mạo hiểm Châu Phi gần đây nhận thấy cần phải thay đổi, và đang chuyển sang chú ý hơn đến các công ty khởi nghiệp do nữ giới thành lập. Năm ngoái, quỹ Janngo Capital đã cam kết dành ra 50% trong tổng số vốn 82 triệu USD để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp do phụ nữ sáng lập, hoặc mang lại lợi ích cho phụ nữ.
Một số quỹ đầu tư mạo hiểm Châu Phi nhận thấy phải thay đổi tình trạng bất bình đẳng giới trong khởi nghiệp. |
Cũng trong năm ngoái, quỹ Alitheia IDF của Nam Phi, thông báo dành 75 triệu USD để đầu tư vào các doanh nghiệp quy mô vừa và hoạt động lấy phụ nữ làm trung tâm. Kế hoạch của Alitheia IDF là đầu tư từ 2 đến 5 triệu USD vào các công ty khởi nghiệp ở Nigeria, Ghana, Nam Phi, Lesotho, Zimbabwe và Zambia trong những năm tới.
Và gần đây nhất, quỹ Future Africa hứa hẹn đầu tư lên đến 1 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Iyin Aboyeji, doanh nhân lập ra Future Africa chia sẻ: “Cơ chế bình thường của chúng ta vẫn tạo ra kết quả bất bình đẳng. Nhưng chúng tôi tin rằng sẽ kiếm được tiền nếu tìm thấy những lựa chọn tốt nhất”.
Ở quy mô toàn diện hơn, CEO Eloho Omame của Endeavor Nigeria đang hợp tác cùng nữ doanh nhân Odunayo Eweniyi và công ty fintech Piggyvest, thành lập ra quỹ FirstCheck Africa chuyên hỗ trợ phụ nữ, bỏ vốn ở giai đoạn "sớm đến khó tin". Những khoản đầu tư ban đầu sẽ từ 15.000 đến 25.000 USD.
Trong buổi nói chuyện audio trên nền tảng Clubhouse gần đây, Odunayo Eweniyi tiết lộ FirstCheck Africa có kế hoạch hỗ trợ 6 nhà sáng lập nữ từ giai đoạn sơ khai trong vòng 12 tháng. Đây là giai đoạn gọi vốn không chính thức, hay còn gọi là vòng “gọi vốn gia đình và bạn bè”, nơi ý tưởng được trao đổi để định hình rõ ràng hơn.
Nhìn chung FirstCheck không chỉ là tài trợ. Họ xây dựng một cộng đồng các doanh nhân nữ và phát triển lộ trình giúp phụ nữ dễ dàng thành lập công ty riêng, tự tin huy động vốn khởi đầu. Hiện nay ở Châu Phi, số lượng quỹ đầu tư hỗ trợ nữ giới không hề ít, trong đó có quỹ Rising Tide Africa trụ sở tại Nigeria và quỹ Dazzle Angels ở Nam Phi.
Thay đổi ở Châu Phi còn được nhìn thấy trên "sân chơi" thế giới. Catalyst Fund, một quỹ đầu tư khởi nghiệp toàn cầu, cho biết 5 trong số 6 dự án tham gia “Chương trình Fintech Rộng mở” năm 2021 là do phụ nữ lãnh đạo hoặc tham gia sáng lập ở các thị trường mới nổi, bao gồm Kenya, Nam Phi và Nigeria.
Mỗi công ty khởi nghiệp kể trên sẽ nhận được 109.000 USD vốn tài trợ ban đầu, đồng thời được hỗ trợ tư vấn trong 6 tháng. Đại diện Catalyst Fund khẳng định, sau nhiều năm liên tục hỗ trợ các dự án toàn nam, quỹ nhận ra khoảng cách trong đầu tư đối với phụ nữ.
Anh Hào (tổng hợp)
“Tôi từng cắm sổ đỏ để theo đuổi đam mê công nghệ cao”
Ông Trần Quang Cường, CEO của Nextfarm cho rằng, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đó chính là chọn bài toàn khó, nhưng nếu thành công sẽ thay đổi nông nghiệp Việt Nam và có được thị trường rất lớn.