Tam Giác Vàng - vùng đất giáp ranh giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar từ lâu đã nổi tiếng với những hoạt động tội phạm đầy bí ẩn và nguy hiểm. Nơi đây, giữa đại ngàn trùng điệp, những đường dây buôn người ẩn náu hoạt động, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho biết bao gia đình.

Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An), cuộc sống mưu sinh chủ yếu dựa vào nương rẫy. Từ mong muốn thoát nghèo, nhiều người đã mù quáng tin theo những lời dụ dỗ của các đối tượng buôn người.

"Việc nhẹ, lương cao", "đào tạo miễn phí"... những lời hứa hẹn khiến bao người mơ mộng về một miền đất hứa. Các đối tượng tội phạm lợi dụng sự thiếu hiểu biết, lòng tin của người dân để giăng bẫy đưa họ vượt biên trái phép.

Từ đầu năm 2024, những manh mối đầu tiên về hoạt động của đường dây buôn người sang các đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng đã lọt vào tầm ngắm của Công an huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

Vi Văn Nhập, 41 tuổi, trú tại xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu được xác định là một chân rết quan trọng trong đường dây mua bán người này. Suốt 4 tháng trời theo dõi chặt chẽ Vi Văn Nhập, kẻ đứng sau đường dây cũng bắt đầu lộ diện.

Theo tài liệu điều tra, Nhập thường xuyên liên hệ với Phạm Thị Tuyết Chinh, 36 tuổi, trú xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, hiện sinh sống ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Thời gian ở nước ngoài, Chinh quen biết nhiều ông chủ có nhu cầu tìm lao động để đưa vào làm việc tại các đặc khu kinh tế nhằm phục vụ hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia. Chinh tuyển nhiều chân rết tại các tỉnh thành để tìm “nguồn hàng” gửi sang cho các ông chủ ở đặc khu Tam Giác Vàng mà Nhập nằm trong số đó.

ANH_4 1730871359492.jpg

Lãnh đạo huyện Quỳ Châu khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chuyên án.

Trước tình hình này, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An chỉ đạo giao Công an huyện Quỳ Châu xác lập chuyên án đấu tranh. Tuy nhiên, hành tung của Chinh luôn thoắt ẩn, thoắt hiện gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan công an. 

Giữa lúc cuộc điều tra gặp khó khăn, một cuộc điện thoại cầu cứu trong đêm, một nạn nhân may mắn trốn thoát khỏi Tam Giác Vàng đã mở ra nút thắt quan trọng trong chuyên án đầy cam go của Công an huyện Quỳ Châu.

Đó là anh L.V.Đ., 34 tuổi ở huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Sau khi nhận cuộc gọi cầu cứu từ Luông Pha Băng (Lào) sau 5 tháng L.V.Đ. bặt vô âm tín, ngay lập tức, gia đình anh Đ. đã tìm đến Công an huyện Quỳ Châu trình báo, tìm sự giúp đỡ.

Câu chuyện buồn của anh Đ. bắt đầu từ đầu năm 2024, khi Vi Văn Nhập vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về công việc với mức thu nhập 20 - 30 triệu đồng/tháng ở nước ngoài. Khao khát đổi đời, anh Đ. cùng một số người đã nhẹ dạ tin theo Nhập, xuất ngoại trong niềm hy vọng. Song họ không ngờ rằng, phía trước không phải miền đất hứa mà là bẫy lừa đảo tăm tối trên đất Myanmar. 

Nhận được tin báo, Công an huyện Quỳ Châu đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan đón anh Đ. tại cửa khẩu. Ngày 9/5, sau khi trở về quê an toàn, Đ. tố cáo hành vi của Nhập tới Công an huyện Quỳ Châu. Theo Thượng tá Hoàng Chí Hiếu, Phó trưởng Công an huyện Quỳ Châu thời điểm nhận đơn tố cáo của anh Đ. mọi điểm mờ gần như sáng tỏ, nhiều manh mối trước đây chỉ là nghi vấn, nay có thể khẳng định chính xác.

Ngày 7/8, nhận tin báo Phạm Thị Tuyết Chinh vừa về nước qua đường bộ Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, ngay lập tức, tổ công tác của Công an huyện Quỳ Châu đã di chuyển từ Nghệ An ra Lào Cai để xác minh và theo dõi tội phạm.

Ngày 8/8, tại thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Công an huyện Quỳ Châu chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan bắt thành công Phạm Thị Tuyết Chinh; thu giữ nhiều tài liệu liên quan. Cùng thời điểm, Vi Văn Nhập cũng bị bắt ở Quỳ Châu.

Thượng tá Hoàng Chí Hiếu cho biết, đây là vụ án lớn, đôi lúc mọi thứ tưởng chừng rơi vào bế tắc nhưng nhờ sự kiên trì đeo bám, nút thắt đã được hóa giải. Chuyên án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song với Thượng tá Hoàng Chí Hiếu, nỗi lo về tình hình phức tạp của tội phạm buôn người vẫn còn đó.