- Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh trong cuộc trả lời phỏng vấn VietNamNet về các biến tướng lễ hội hiện nay.

Mỗi năm Hà Nội có hơn 1000 lễ hội

{keywords}

Ông Hoàng Tuấn Anh kiểm tra việc hóa vàng mã của người dân tại đền bà chúa Kho.

- Lễ hội thời gian gần đây đang ngày càng biến tướng. Theo Bộ trưởng, đâu là căn nguyên của sự biến tướng đáng lo ngại này?

- Lễ hội là di sản văn hóa, là sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn và đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống. Mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu riêng, chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa cao đẹp. Theo tôi có một số nguyên nhân biểu hiện biến tướng trong sinh hoạt lễ hội:

* Nhận thức về ý nghĩa, vai trò của lễ hội trong đời sống một bộ phận cấp uỷ, chính quyền một số địa phương chưa cao, còn có sự buông lỏng, thiếu sâu sát, kiên quyết để những hạn chế, yếu kém kéo dài không ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời, chưa coi trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp từ lễ hội.

* Kinh tế thị trường tác động đến văn hóa với cả tích cực và tiêu cực, từ đó nảy sinh xu hướng chạy theo lợi nhuận kinh tế, coi nhẹ giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống, tốt đẹp trong lễ hội.

* Ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội của một bộ phận nhỏ người tham gia lễ hội chưa cao, có sự thái quá về niềm tin vào tín ngưỡng, thần linh với mong muốn cầu lộc, cầu tài, cầu phúc… tạo cơ hội cho cá nhân trục lợi, làm biến tướng sinh hoạt lễ hội.

* Việc sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu khoa học về các di tích, lễ hội chưa sâu dẫn đến việc phục dựng có nơi tuỳ tiện, không đúng với bản chất.

- Có ý kiến cho rằng lộn xộn ở lễ hội là do sự̣ yếu kém trong công tác quản lý lễ hội. Số khác lại đổ cho ý thức yếu kém của những người tham gia lễ hội. Số nữa lại cho rằng chính tần suất dày đặc lễ hội hiện nay (gần 8.000 lễ hội mỗi năm với trung bình khoảng 20 lễ hội/ngày) mới là căn nguyên. Vậy theo Bộ trưởng, đã đến lúc cần ngay một bản quy hoạch lễ hội hay chưa?

- Đúng, thực trạng lộn xộn ở một số lễ hội là sự yếu kém trong công tác quản lý lễ hội của Ban tổ chức, chính quyền một số địa phương nơi diễn ra lễ hội và từ đó, ý thức của một số người tham gia lễ hội đã không được nâng cao mà có chiều hướng tiêu cực hơn, biến lễ hội trở thành nơi thể hiện những hành vi phản cảm mang tính cá nhân.

Còn việc cho rằng có gần 8000 lễ hội và trung bình 20 lễ hội/ngày là cách tính máy móc và suy diễn. Theo báo cáo của các địa phương, cả nước có 7.966 lễ hội, với 327 Lễ hội do cấp tỉnh quản lý. Hà Nội là nơi có nhiều lễ hội nhất với 1.095 lễ hội. Như vậy, cách tính 20 lễ hội trong một ngày là không đúng. Vì có nhiều lễ hội chỉ tổ chức vào năm chẵn (5 năm, 10 năm), có những lễ hội không có phần lễ, chỉ có hội (hội làng, hội nghề...) và không phải năm nào cũng tổ chức.

Không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua, Bộ đã xây dựng Đề án quy hoạch lễ hội, theo hướng giảm tần suất, tránh việc nâng cấp lễ hội, đảm bảo đời sống tinh thần của nhân dân nhưng không được lạm dụng lễ hội để thương mại hóa, trục lợi, làm giảm tính thiêng của lễ hội. Bộ đang yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương rà soát và thống kê đầy đủ và chính xác, bổ sung hoàn thiện quy hoạch, tổ chức lễ hội, các sinh hoạt tín ngưỡng, các hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội.

Nên thôi hẳn tập tục không còn phù hợp

{keywords}

Tranh cướp bạo lực tại Hội phết Hiền Quan


- Được biết đề án quy hoạch lễ hội đã có từ năm 2012 nhưng gặp phải nhiều bất cập. Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có chỉ đạo về quy hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2015-2030, định hướng đến năm 2030. Về cơ bản quy hoạch này, Bộ sẽ dựa trên những tiêu chí nào? Trong gần 8.000 lễ hội hiện có trong cả nước. Số lượng này sẽ thay đổi như thế nào về chất và lượng khi quy hoạch?

- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc xây dựng Đề án Quy hoạch tổng thể lễ hội 2015-2020, định hướng đến năm 2030. Nó thể hiện trách nhiệm và̀ tâm huyết của Bộ VHTTDL đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Song trong bối cảnh hiện tại cần có định hướng chỉ đạo thực hiện cụ thể, đặc biệt cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Do đó Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL đã̃ tham mưu Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2015 về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đó là những văn bản quan trọng để định hướng chỉ đạo và thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong tình hình hiện nay.

Thực hiện quy hoạch lễ hội mang tính đa ngành (Quy hoạch không gian; phục dựng lễ hội; xác định nghi thức, trình thức lễ hội; xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ…) do đó cần phải tiếp tục hoàn thiện lấy ý kiến của các bộ/ngành liên quan để đề án có tính khả thi. Định hướng Quy hoạch lễ hội không làm giảm, hoặc tăng số lượng lễ hội, định hướng quy hoạch lễ hội là cơ sở để các địa phương thực hiện:

* Tiến hành tổng kiểm kê, rà soát, xác định thứ tự ưu tiên đối với từng lễ hội, trên cơ sở đó tính toán các nguồn lực, năng lực quản lý và điều hành hoạt động lễ hội của chính quyền địa phương để quản lý lễ hội.

* Khai thác, kế thừa các tri thức dân gian của cộng đồng dân cư để nghiên cứu tư liệu hoá, phục dựng lại các lễ nghi, các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội. Đánh giá lại các giá trị di sản văn hoá còn lưu giữ được để bảo tồn phát huy.

* Nghiên cứu xây dựng hồ sơ di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể) đối với từng lễ hội. Tiến hành điều tra, sưu tầm, thu thập bằng văn tự, bản ghi âm, ghi hình, phim ảnh làm cơ sở để phục hồi những hình thức sinh hoạt lễ hội đã bị mai một, những nghi thức, trình thức đã bị thất truyền và có nguy cơ thất truyền.

* Quy hoạch cho từng lễ hội cần ưu tiên những lễ hội tiêu biểu nhưng có nguy cơ thất truyền cao trên từng địa bàn, không nhất thiết phải cố phục hồi những lễ hội đã mất hẳn hay khó có khả năng phục hồi vì thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, nhất là khi cộng đồng dân cư không có nhu cầu thực hành lễ hội đó.

* Nguyên tắc của việc tổ chức lễ hội là: dựa trên ý nguyện của cộng đồng; đề cao giá trị văn hóa tốt đẹp, giàu tính nhân văn; phù hợp thông lệ quốc tế và văn minh nhân loại; quan trọng nhất là phải đúng quy định của pháp luật (pháp luật ở đây cụ thể là Điều 25 Luật Di sản văn hóa: “Phục dựng có chọn lọc nghi thức lễ hội truyền thống”).

Đối chiếu với những nguyên tắc trên, những tập tục không còn phù hợp sẽ được điều chỉnh lại theo hướng: có tập tục nên thôi hẳn, có tập tục nên lược bỏ một phần hoặc thay thế bằng hình thức khác. Như việc cấm đốt và kinh doanh pháo nổ trước đây cũng vậy. Khi nguyện vọng chính đáng của đa số người dân được tôn trọng và bảo vệ chắc chắn sẽ được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ đã chỉ đạo, giao trách nhiệm cho đơn vị chức năng, các địa phương tiến hành kiểm kê, nghiên cứu, điều tra xã hội học, phân tích kỹ lưỡng, phân loại cụ thể để đề xuất giải pháp điều chỉnh đối với từng trường hợp. Trên cơ sở các đề xuất đó, tổ chức tọa đàm, hội thảo cấp quốc gia, tham vấn ý kiến các nhà khoa học, ý kiến của cộng đồng dân cư chủ thể của lễ hội, trước khi trình Chính phủ xem xét, giao UBND các tỉnh/thành quyết định.

Khi được Thủ tướng Chính phủ̉ phê duyệt định hướng Quy hoạch, Bộ VHTTDL sẽ xây dựng Tiêu chí lễ hội theo phân cấp quản lý: cấp Quốc gia, cấp tỉnh, cấp quận huyện, xã/phường. Thực hiện quy hoạch lễ hội, các địa phương sẽ điều chỉnh lại tần xuất lễ hội, sau quy hoạch chất lượng nội dung lễ hội sẽ được nâng lên, thí dụ: lễ hội trước đây tổ chức thường kỳ hàng năm, nhưng theo quy hoạch, địa phương sẽ điều chỉnh tổ chức theo tần xuất từ 3 đến 5 năm/1lần để nâng cao chất lượng, giảm tần suất.

Không đồng tình với quan niệm 'Cướp có văn hóa'


{keywords}

Tranh cướp dẫn tới hỗn chiến ở Lễ hội đền Gióng. Ảnh: Zing


- Mới đây, có người đề cập đến một khái niệm khá mới: cướp lộc tại lễ hội là cướp có văn hoá chứ không phải cướp giật. Trên cương vị là Bộ trưởng, ông có đồng tình “cướp có văn hoá” không? Theo Bộ trưởng những hình ảnh mang tính “bạo lực” như vậy có nên xuất hiện trong những lễ hội văn hoá không?

-
Tôi không đồng tình với quan niệm này. Mọi hành vi tranh cướp đều không thể gọi là cướp có văn hoá. Nếu tranh giành và thi đấu như một trò chơi thể thao thì phải công bằng với sức mạnh, trí thông minh và theo quy định nghiêm ngặt của cuộc chơi để giành chiến thắng.

Việc chấn chỉnh những hành vi phản cảm đã được Ban Tổ chức các lễ hội thực hiện nhưng thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh là ý thức của người tham gia lễ hội, cơ quan quản lý và các ngành hữu quan phải có trách nhiệm hướng dẫn, tuyên truyền để xây dựng hình ảnh văn hoá từ mỗi sinh hoạt của lễ hội, trong đó có cả trách nhiệm của tất cả mọi người tham gia lễ hội.

- Trong khi các hủ tục đâm trâu, chém lợn đang được xem xét nên hay không nên tồn tại thì mới đây lãnh đạo huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tuyên bố nâng cấp Hội chọi trâu Phúc Thọ lên thành Lễ hội chọi trâu để nó tồn tại mãi mãi. Trong Lễ hội chọi trâu, phần hội chính là phần chọi trâu và trâu thắng cuộc sẽ được giết để tế vào Đền thờ Hai Bà Trưng nằm trên địa bàn huyện. Ai là đơn vị đã đồng ý nâng cấp lễ hội cho huyện Phúc Thọ? và Bộ̣ có được nghe báo cáo về việc này?

- Việc tổ chức Hội Chọi trâu huyện Phúc thọ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành; Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành Quy chế tổ chức lễ hội. Tổ chức chọi trâu Phúc Thọ theo phân cấp do Thành phố Hà Nội quản lý.

Nâng cấp từ Hội Chọi Trâu thành Lễ hội Chọi Trâu là không đúng quy định. Việc phục dựng các lễ hội cần có sự chọn lọc và cân nhắc kỹ trên cơ sở khoa học và tôn trọng truyền thống, không được làm biến dạng lễ hội. Việc giết Trâu thắng cuộc để cúng tế là điều không nên vì con Trâu là bạn thân thiết của người nông dân Việt Nam. Cần có ứng xử nhân văn và tiếp thu có cân nhắc những khuyến cáo của các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới.

Bản thân tôi đã đến làm việc trực tiếp với lãnh đạo và người dân các Tỉnh Bắc Ninh và Tỉnh Phú Thọ, đề nghị lãnh đạo Tỉnh khuyến cáo và hướng dẫn người dân đối với những nghi lễ phản cảm, không có tác dụng giáo dục, không đề cao giá trị nhân văn thì cần loại bỏ hoặc thay thế bằng nghi lễ khác.
 

Nguyên nhân gây quá tải trong lễ hội

- Trước nay, các lễ hội đền Trần, chùa Hương… có quy mô địa phương nhưng dần nó đã trở thành du lịch hoá lễ hội khiến lễ hội trở nên quá tải nhưng nó lại làm đầy dần ngân sách hàng chục tỉ mỗi năm? Liệu quy hoạch lễ hội có dám mạnh tay “hạ bậc" lễ hội này để trở về quy mô vốn có, đồng nghĩa với việc sẽ ‘thất thu’ nhiều?

- Trong hệ thống lễ hội, loại hình lễ hội dân gian chiếm hơn 88%. Lễ hội dân gian chủ yếu là các lễ hội của làng, xã… do nhân dân trong làng, xã đóng góp tổ chức. Nhà nước hướng dẫn và đảm bảo việc tổ chức đúng quy định của pháp luật. Nhà nước không cấp kinh phí tổ chức lễ hội dân gian.
 
Trước kia lễ hội bó hẹp trong phạm vi làng, xã, nhưng nay do điều kiện kinh tế phát triển, giao thông thuận tiện, thông tin nhanh nhạy, nhu cầu hưởng thụ văn hoá nhân dân cũng đông hơn, bởi vậy lễ hội đã vượt qua giới hạn phạm vi địa lý của làng, xã. Đặc biệt, những lễ hội có yếu tố linh như lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Trần… nay đã thu hút cả một vùng dân cư, du khách trong nước và quốc tế, trong khi khuôn viên, không gian di tích, lễ hội bị giới hạn. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc quá tải trong lễ hội.

Từ những nguyên nhân trên, việc tăng cường công tác quản lý, phối hợp với nhiều ban, ngành chức năng cũng như việc cải thiện hệ thống dịch vụ, mở rộng khuôn viên di tích, lễ hội là nhu cầu cần thiết. Căn cứ nhu cầu thực tiễn, việc quy hoạch lễ hội là một trong những giải pháp để từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức; đảm bảo việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của di tích, lễ hội hiệu quả nhất.

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, việc gắn kết di tích, lễ hội-du lịch phát triển kinh tế là phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo nguyên tắc đúng mục đích, trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm; không thương mại hoá lễ hội; không lợi dụng lễ hội để trục lợi.

Về vấn đề công khai, minh bạch trong việc quản lý và sử dụng tiền công đức, hiện nay đối với các di tích, lễ hội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30 tháng 5 năm 2014 về hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Đến nay, việc quản lý và sử dụng tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đã có nhiều chuyển biến tích cực, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích hơn.

- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có những biện pháp quyết liệt nào để giúp cải thiện những lộn xộn trong công tác lễ hội thời gian qua?

- Để thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian tới hiệu quả, nhất là giải pháp khắc phục những vấn đề đang được dư luận quan tâm, Bộ đã tham mưu Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Văn bản quản lý về lễ hội và các hoạt động liên quan lễ hội (gồm: 5 Chỉ thị của Bộ Chính trị; 3 Nghị định, 01 Quyết định, 2 Chỉ thị và 02 Công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 02 Quyết định, 03 Thông tư, 02 Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Phụ lục kèm theo).

Xây dựng Đề án định hướng quy hoạch tổng thể lễ hội trình Chính phủ phê duyệt. Trong bối cảnh hiện tại công tác quản lý và tổ chức lễ hội đang được thực hiện theo các quy định hiện hành, định hướng quy hoạch tổng thể lễ hội cũng là cơ sở để các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong tình hình hiện nay.