Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, thị phần hạt điều của Việt Nam vẫn khẳng định được vị trí nhà cung cấp số 1 tại Nga nhờ nguồn cung ổn định, chất lượng đảm bảo.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Nga tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, Belarus nhưng giảm mạnh nhập khẩu từ các thị trường khác.
Thống kê cho thấy, lượng hạt điều của nước này nhập khẩu từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 4,87 nghìn tấn, trị giá trên 27 triệu USD, tăng 72% về lượng và tăng 29,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nga cũng tăng từ 50,28% trong 6 tháng đầu năm 2020 lên 57,68% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong quý II/2021 đạt 160,1 nghìn tấn, trị giá 980,91 triệu USD, tăng 42,7% về lượng và tăng 49,3% về trị giá so với quý I/2021. So với quý II/2020 tăng 24,1% về lượng và tăng 20,6% về trị giá.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 273,54 nghìn tấn, trị giá 1,65 tỷ USD, tăng 21,8% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 50 nghìn tấn, trị giá 324 triệu USD, giảm 14,9% về lượng và giảm 12,3% về trị giá so với tháng 6/2021. So với tháng 7/2020 tăng 19,6% về lượng và tăng 33,5% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước đạt 324 nghìn tấn, trị giá 1,97 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 14% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2020.
Dự báo xuất khẩu hạt điều trong quý III/2021 tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu nhập khẩu của các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu tăng theo yếu tố chu kỳ.
Hạt điều Việt Nam khẳng định vị thế tại thị trường Nga |
Để ngành điều Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường Nga trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị sản phẩm phải đảm bảo tiêu chí sạch.
Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa tốt trong dài hạn và khi giao dịch nên lưu ý tới thanh toán. Đồng thời xây dựng mối liên kết chặt chẽ, lâu dài với các hộ sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị nông sản và chia sẻ trách nhiệm, lợi ích. Đặc biệt, phải kịp thời cập nhật và tận dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp hạt điều Việt Nam phải luôn cải tiến về bao bì, mẫu mã, thiết kế tem, thay đổi ngôn ngữ để khách hàng tại thị trường này có thể nắm bắt được thông tin đầy đủ về sản phẩm. Danh nghiệp cần mở rộng và xây dựng các nhà máy chế biến có công suất lớn để đảm bảo nguồn cung hạt điều và chất lượng sản phẩm. Chủ động nguồn cung hạt điều thô nhằm giảm thiểu tình trạng gián đoạn nguồn cung, đặc biệt trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.
Thương vụ Việt Nam tại Nga cũng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thời gian tới Thương vụ và tổ chức xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến cũng như hỗ trợ trực tiếp, tổ chức hội thảo, giao thương doanh nghiệp, tập trung vào từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, thị trường nhân hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ đạt tốc độ bình quân 4,6% trong giai đoạn 2021 – 2026. Dự báo thị trường nhân hạt điều thô toàn cầu đạt khoảng 7 tỷ USD vào năm 2025. Hiện Việt Nam đang là quốc gia có lượng xuất khẩu nhân hạt điều đứng đầu thế giới.
Năm 2021 được dự báo là một năm thành công đối với xuất khẩu hạt điều của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt khoảng 579.800 tấn, trị giá 3,64 tỷ USD, tăng 12,6% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với năm 2020.
Trong năm qua, trị giá xuất khẩu hạt điều sang các thị trường đều tăng mạnh, điển hình như: châu Phi tăng 35%, châu Á tăng 24%. Riêng tại thị trường châu Âu, nhập khẩu hạt điều Việt Nam chiếm 22%, còn tại thị trường Mỹ chiếm 23% lượng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam.
Thanh Hùng