Ngày 22/11, Hậu Giang đã tổ chức họp hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đánh giá của hội đồng, các sản phẩm OCOP đều dựa trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đặc trưng của tỉnh như: gạo, khóm, mít, cá thát lát… để sản xuất, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm mới, bảo đảm các yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm, bổ ích cho sức khỏe, tiện lợi, bao bì, mẫu mã sản phẩm đẹp.

Có nhiều sản phẩm OCOP mới, được chế biến từ mật ong, mít, chả cá thác lác, như “sữa ong chúa”, “khô mít, pa-te mít”, “bánh phòng chả cá thát lát”… thể hiện sự năng động, sáng tạo, bước đầu đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng…

KHOM CAU DUC.jpg
Khóm Cầu Đúc, một đặc sản của Hậu Giang. 

Hội đồng đã đánh giá và bỏ phiếu thống nhất đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang công nhận mới và tái công nhận lại 33 sản phẩm của 13 chủ thể tham gia (4 hợp tác xã, 5 công ty và 4 cơ sở sản xuất) đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Trong đó, có 22 sản phẩm đề xuất công nhận mới và 11 sản phẩm tái công nhận.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh Hậu Giang cũng bỏ phiếu thống nhất đề xuất 2 sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh đủ điều kiện dự thi thăng hạng lên sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương. Tính đến thời điểm tháng 11/2023, Hậu Giang có 215 sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao và 3 sao.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đề nghị các chủ thể cần tiếp tục nghiên cứu thị trường, đổi mới bao bì, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất về chất lượng và số lượng.

Các chủ thể tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, cũng như tạo sự khác biệt cho các sản phẩm cùng loại trên thị trường. 

Anh Thư