Hậu Giang có diện tích tự nhiên 1622 km2, dân số khoảng xấp xỉ 730.000 người. Phía Bắc của Hậu Giang giáp thành phố Cần Thơ, phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Đông giáp sông Hậu và tỉnh Vĩnh Long, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu.
Thời gian qua, bằng nội lực và sự hỗ trợ của Trung ương, Hậu Giang đã vươn lên trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
Những ngày cuối tháng 4/2023, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là một kỳ tích khi cách đây hơn 20 năm, Hiệp Hưng là địa phương nghèo nhất tỉnh. Việc đầu tư xây dựng 70 km đường bê tông, 145 mô hình sản xuất góp phần giúp bộ mặt nông thôn và đời sống người dân xã nâng lên rõ rệt.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, một người dân xã Hiệp Hưng bày tỏ sự vui mừng khi con đường mới đã giúp việc buôn bán, đi lại dễ dàng hơn, giao thương thêm thuận lợi. Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang nhận định địa phương này đã xây dựng đề án có sự hỗ trợ giúp đỡ của trường Đại học Cần Thơ, trong đó, đặt mục tiêu nâng xã Hiệp Hưng trở thành xã nông thôn mới nâng cao thứ 2 của huyện.
Đến nay, Hiệp Hưng là xã thứ 39/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Hậu Giang, chiếm tỷ lệ gần 76,5%, 3/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Hậu Giang đã tạo nên những “điểm son” trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tháng 12/2013, xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy, hiện là thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) trở thành địa phương đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn nông thôn mới.
Gần 2 năm sau, thị xã Ngã Bảy được công nhận là đơn vị cấp huyện đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long về đích nông thôn mới. Đến tháng 7/2019, Đại Thành lại là địa phương đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Với sự quyết liệt này, Hậu Giang liên tục ghi dấu ấn. Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP của Hậu Giang cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến nay toàn tỉnh có 179 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao, 4 sao. Đặc biệt, tỉnh có 7 sản phẩm đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh đã vượt qua chỉ tiêu đề ra hàng năm.
Bên cạnh đó, các hình thức tổ chức sản xuất nông thôn liên tục đổi mới theo hướng 4.0 với mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Theo ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Hậu Giang, tỉnh đang tập trung cho những mô hình nông nghiệp giảm được phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật.
Trong đó, hướng tới các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào, phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.
Đồng thời, Hậu Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư vào hoạt động chế biến sâu nông sản. Mới đây, một nhà máy chế biến khóm với quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long đã được khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Sông Hậu, thuộc huyện Châu Thành. Khóm là một mặt hàng nông sản nổi tiếng xưa nay của Hậu Giang.
Hiện nay, diện tích trồng khóm của Hậu Giang là hơn 3.100ha với giống chủ lực là khóm Queen, tập trung ở TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Trong đó, diện tích khóm cho trái hằng năm chiếm gần 2.800ha, năng suất bình quân đạt 15,8 tấn/ha, sản lượng cả năm ước đạt gần 42.900 tấn.
Nông nghiệp được xem là thế mạnh hàng đầu, đặc biệt gắn liền với phần lớn đời sống người dân Hậu Giang. Chiến lược chuyển đổi nông nghiệp của Hậu Giang đang đặt trong bối cảnh tái cấu trúc nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu với sự thay đổi tầm nhìn, qua đó xác định được đích đến một cách đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại.
Đến nay, Hậu Giang được đánh giá đã bứt phá và đạt nhiều kết quả khá toàn diện trong 20 năm phát triển. Trong đó, tăng trường GRDP tăng qua từng năm, thu ngân sách tăng cao, kết cấu hạ tầng - kinh tế xã hội, giao thông, công nghiệp, đô thị được đầu tư mạnh mẽ, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, giáo dục đào tạo và mạng lưới y tế phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.