Ở VN cho đến nay, chưa có một ĐH thực sự phi lợi nhuận hiểu theo mô hình của nhiều quốc gia tiên tiến. Có thể có một vài ĐH tư tự xưng là phi lợi nhuận, nhưng cốt lõi cũng chỉ là “phi lợi nhuận theo định hướng" chứ không thật sự phi lợi nhuận theo nghĩa chuẩn nhất của từ này.
Trong bối cảnh giáo dục hiện nay ở Việt Nam còn tồn tại sự cạnh tranh giữa trường công và tư, đặc biệt trong giới trường tư, có những trường tự xưng là “phi lợi nhuận” nhưng trong thực tế hành xử không khác gì một công ty vì lợi nhuận thông thường.
Hành xử như một doanh nghiệp vì lợi nhuận
Trong khi đó, chính sách về vấn đề này cũng chưa làm rõ hơn những khác biệt căn bản giữa “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” khi luật hiện hành dùng cụm từ “không vì lợi nhuận” và định nghĩa là “phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ”. (1)
Như vậy, có nghĩa là trường tư do các cá nhân hay nhóm góp tiền vốn để lập ra và sau đó được chia một phần lợi nhuận của trường, vẫn được tự xưng là “không vì lợi nhuận” hay thông thường hơn là… “phi lợi nhuận.”
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Tuy nhiên, lợi nhuận mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Quan trọng hơn, và kiểm soát được lợi nhuận là quyền sở hữu và quyền quản trị nhà trường. Về khoản này, Luật ĐH của VN hiện nay lại khá rõ ràng: Cổ đông là sở hữu chủ và hội đồng quản trị, do cổ đông bầu lên hay chỉ định, có toàn quyền điều hành nhà trường qua trung gian là hiệu trưởng và ban giám hiệu.
Nói khác đi, một ĐH tư hiện nay ở Việt Nam, hành xử như một “doanh nghiệp vì lợi nhuận”, dù ĐH đó có tự xưng là “phi lợi nhuận” và các giảng viên, nhân viên từ cấp hiệu trưởng trở xuống đều là nhân viên của doanh nghiệp, như bất cứ ở một doanh nghiệp nào khác.
Khoảng 25 năm trở lại đây, các trường ĐH công và tư ở VN mọc lên như nấm sau năm 2000. Hầu như tỉnh nào, bộ nào, công ty nào có máu mặt… đều muốn mở ĐH và đưa người của mình vào các ghế lãnh đạo ĐH (4) Một số còn đặt mình vào ghế hiệu trưởng hay chủ tịch, với một mảnh bằng tiến sĩ từ đâu đó, và nghiễm nhiên bước vào giới trí thức cao.
Thứ hai, đầu tư vào ĐH có thể sinh lãi rất to và rất nhanh. Điều này vừa có lợi và vừa là nguy cơ cho nhà trường. Có những trường dùng lợi nhuận để tăng trưởng nhưng vẫn giữ được nhóm lãnh đạo đồng nhất và tiến trình tương đối bền vững. Nhưng cũng đã có những trường mà ban lãnh đạo thời kỳ đầu đã “xâu xé nhau” để tranh quyền hay tranh lợi. Như ĐH Hoa Sen, Thăng Long, Duy Tân, FPT, hay Văn Lang … và ĐH Hùng Vương có lẽ là điển hình cho trường hợp sau.
Thứ ba, ở VN cho đến nay, chưa có một ĐH thực sự phi lợi nhuận hiểu theo mô hình của nhiều quốc gia tiên tiến. Có thể có một vài ĐH tư tự xưng là phi lợi nhuận, nhưng cốt lõi cũng chỉ là “phi lợi nhuận theo định hướng” chứ không thật sự phi lợi nhuận theo nghĩa chuẩn nhất của từ này.
Tính cách "phi lợi nhuận" như thế nào?
ĐH Hoa Sen ở t/p HCM, nơi tôi có dịp cộng tác trong hai năm 2012 và 2013 ở cấp trưởng khoa, nhờ đó hiểu được phần nào tổ chức của trường, có thể là một ví dụ cụ thể về tính cách phi lợi nhuận này.
Năm 2007, Trường cao đẳng Hoa Sen được phép của Bộ GD-ĐT trở thành trường ĐH. Về mặt tài chính, ĐH Hoa Sen đã rất thành công, theo như con số của nhà trường báo cáo cho HĐ cổ đông hàng năm: Thu nhập năm đầu tiên thành ĐH (2007) là 85 tỷ VNĐ đã tăng tới 267 tỷ trong năm 2013. Tăng khoảng gấp ba lần trong 07 năm.
Tương tự, lợi nhuận (chênh lệch chi thu) sau thuế cũng tăng từ 11.8 tỷ VNĐ năm 2007 tăng lên đến năm 65.4 tỷ năm 2013. Nghĩa là lợi nhuận tăng lên gấp 06 lần trong 07 năm. Ít có đầu tư nào có thể tăng trưởng nhanh và đều như thế.
Trường ĐH tư có lãi không phải là điều xấu. Trái lại là khác; nó chứng minh được khả năng quản lý của lãnh đạo nhà trường. Nó chỉ xấu nếu ĐH Hoa Sen không đào tạo sinh viên của mình như đã hứa hẹn; và nếu nhìn vào con số của ĐH Hoa Sen công bố, về tỷ số sinh viên có việc làm khi ra trường, thì ĐH Hoa Sen có kết quả khá tốt. Tốt hơn nhiều trường, công cũng như tư, ở VN hiện nay.
Vậy ĐH Hoa Sen có phải là một trường phi lợi nhuận như nhà trường tự công bố không?
Hôm 17/3/2014, Đảng ủy ra nghị quyết số 07/NQ-DU và ngay hôm sau, Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng ra công văn cho nhân viên từ cấp trưởng bộ phận trở lên khẳng định rằng “Tôi sẽ triển khai đến toàn thể cấp Trưởng bộ phận để phối hợp, lãnh đạo toàn thể giảng viên, nhân viên nhà trường kiên quyết thực hiện chủ trương giữ vững đường lối phi lợi nhuận của nhà trường … Đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của giảng viên, nhân viên và các cổ đông của nhà trường.”
Theo như Ban Giám hiệu và Hội đồng Quản trị của ĐH Hoa Sen báo cáo cho đại hội cổ đông hàng năm, cổ đông của Hoa Sen đã nhận được ít nhất 12% (năm 2012) và cao nhất là 22% (năm 2013) tiền lời mỗi năm, kể từ 2007.
Đặc biệt 02 năm 2012 và 2013, Hội đồng Quản trị quyết định tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ lên 72 tỷ (2012) và một năm sau lại lên 110 tỷ (2013). Không có con số chính xác về trị giá của trường, nhưng một số chuyên gia ước lượng trị giá này đã tăng từ khoảng 15 tỷ (2007) lên tới mấy trăm tỷ hiện nay.
Thêm vào đó, ĐH Hoa Sen đã hai lần phát hành “cổ phiếu thưởng” cho cổ đông hiện hữu: Năm 2012 với tỷ lệ 140/100 và năm 2013 với tỷ lệ 153/100; nghĩa là số cổ phiếu của mỗi cổ đông đã tăng lên hơn gấp đôi nếu họ là cổ đông từ trước năm 2011. Có thể nói, cổ đông của ĐH Hoa Sen đã làm giàu khá nhanh và khá bền vững qua phương thức đầu tư này.
Việc ĐH Hoa Sen vẫn là một trường “vì lợi nhuận” như mọi trường tư khác ở VN hiện nay không phải là một điều dở. Làm kinh tế lương thiện không có gì đáng chê trách; làm kinh tế bằng dịch vụ giáo dục cũng không có gì phải xấu hổ; và nhà trường đạt được nhiều lãi cho cổ đông cũng không vi phạm luật pháp nào.
Vấn đề đặt ra ở đây là ĐH Hoa Sen có nên tự xưng mình là phi lợi nhuận hay không? Áp dụng phương châm “sống tử tế” của nhà trường thì tôi nghĩ là… không nên. Vì nó không đúng sự thật, như đã trình bầy ở phần trên, và vì nó gây ngộ nhận cho sinh viên, phụ huynh, và cho chính các nhân viên, giảng viên của trường. Tôi không lo cho cổ đông của trường; họ biết họ là chủ nhà trường và họ vẫn nhận cổ tức rất đều đặn hàng năm.
Nhưng cũng nhân dịp này, tôi hy vọng ĐH Hoa Sen sẽ chỉnh đốn lại từ việc điều hành, kế toán và quản lý đến các vấn đề học thuật, giáo dục khai phóng và phục vụ sinh viên, cho đến việc đãi ngộ tương xứng với nhân viên, giảng viên là những rường cột của bất cứ ĐH nào … Để nhà trường, đang trên đà tiến triển tốt, sẽ còn tiến xa hơn nữa và tối thiểu cũng cạnh tranh ngang hàng với các trường quốc tế trong khu vực Đông Nam Á.
- GS Vũ Đức Vượng