Bốn nhà báo Dương Thành Truyền, Nguyễn Khắc Cường, Trung Nghĩa và Hồ Huy Sơn trò chuyện xoay quanh chủ đề Nhà báo viết sách đồng thời giới thiệu 2 tựa sách mới Xin chào ngày nắng đẹp (Hồ Huy Sơn) và Kho báu trong thành phố (Nguyễn Khắc Cường).
Nhà báo có nhiều lợi thế để viết sách. Họ được 'bảo chứng' về khả năng viết, sức viết, khả năng quan sát, ngoài ra có nhiều cơ hội đi, nghe nhìn và tiếp xúc để thu thập chất liệu, cảm hứng.
Trong đó, yếu tố cảm hứng quan trọng đối với nhà báo chuyên viết sách văn học. Sau khi viết những tác phẩm báo chí về con người, cuộc sống, họ có nền tảng để phát triển thành sách với đời sống dài và bền hơn bài báo.
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường nhờ gần 30 năm viết và phụ trách báo thiếu nhi mà tiếp xúc, lắng nghe vô số em nhỏ, từ đó có chất liệu dồi dào và cảm hứng bất tận để viết sách cho trẻ; còn nhà báo Hồ Huy Sơn phụ trách mảng xuất bản, gần như 'sống với sách' nên viết sách rất tự nhiên.
Đồng tình, nhà báo Dương Thành Truyền nhấn mạnh việc đọc quan trọng hàng đầu đối với nghề viết, không kể nhà văn hay nhà báo.
Ông nhận định 'đọc sách lấy kiến thức' là cách hiểu hẹp vì hoạt động này còn rèn năng lực tư duy, lập luận và ngôn từ. Quan trọng hơn, theo ông, đọc sách giúp con người trở nên hấp dẫn, thú vị.
"Trong truyện Nghìn lẻ một đêm, vì sao bao cô gái bị vua xứ Ba Tư giết còn Shahrazad thì không? Vì cô ấy thông minh, thú vị", ông khuyên vui, "Những bà mẹ muốn con thi hoa hậu nên rèn thói quen đọc sớm. Các cháu lớn lên sẽ quyến rũ, ai cũng muốn trò chuyện".
Nhà báo Dương Thành Truyền khuyến khích người Việt viết sách. Theo ông, Trung Quốc có văn hóa sâu dày vì mọi tầng lớp đều có thói quen viết.
Ông nói: "Lịch sử nước họ bao gồm chính sử của Nhà nước, ngoại sử của nhà Nho và dã sử của dân gian. Mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, địa phương, nghề nghiệp... đều có ghi chép riêng.
Chúng ta nên ngồi vào bàn, bắt tay viết về cuộc sống xung quanh. Hãy viết sách không vì trở thành nhà văn mà vì giá trị của những ghi chép có thể lưu lại hàng chục, hàng trăm năm sau. Bên cạnh đó, viết là cách tự học hữu hiệu".
'Đôi khi viết báo lại chêm nhầm văn sến?'
Về ranh giới giữa viết báo (phong cách ngôn ngữ báo chí) và viết văn (phong cách ngôn ngữ văn chương), nhà báo Hồ Huy Sơn cho rằng nên tách bạch nhưng không tuyệt đối hóa.
Đơn cử, thể loại bài chân dung nhân vật ứng dụng khéo léo phong cách văn chương sẽ giúp tác phẩm giàu cảm xúc hơn.
"Không hẳn nhà báo luôn phải tách bạch 2 phong cách. Nếu bạn biết cách dung hòa đúng lúc, đúng chỗ sẽ tạo ra màu sắc đặc biệt cho ngòi bút", anh nói.
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường nhận định viết báo và viết văn đều sử dụng ngôn từ làm phương thức biểu đạt với người đọc. Tác phẩm báo chí và văn chương sử dụng ngôn ngữ khác nhau nhưng đều yêu cầu tính hấp dẫn.
Theo anh, nhà báo viết văn hay nhà văn viết báo đều không tránh khỏi việc để lại dấu ấn nghề nghiệp. Trong một tác phẩm, nhân vật của anh đã gọi số 111 khi gặp tình huống nguy hiểm.
"Tôi vô thức viết chi tiết này từ thói quen giáo dục trẻ em gọi đường dây nóng khi làm báo thiếu nhi, sau này mới phát hiện", Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm viết sách, nhà báo Trung Nghĩa - từng đến hơn 50 quốc gia, tác nghiệp 6 mùa World Cup - gợi ý tạo thói quen luôn mang theo sổ tay, viết trang trái những sự việc được chứng kiến và viết trang phải cảm nhận tương ứng. Theo anh, "cuốn sổ là quyển tư liệu hữu ích hỗ trợ việc viết sách".
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường nhìn nhận người làm nghề có quỹ thời gian eo hẹp, tâm trí luôn chịu áp lực. Vì vậy, anh thường để cảm xúc và ý tưởng bật ra một cách tự nhiên rồi ghi lại, như cốt truyện cuốn Kho báu trong thành phố được thành hình khi chạy bộ, tập thể dục.
Từ cốt truyện, anh viết đề cương nhưng không đặt áp lực hay thời hạn; cứ thế chờ đợi cảm xúc, những câu thoại đắt hay tình tiết thú vị mới viết.
"Niềm vui và hưng phấn khi viết văn đã bù đắp cho những lao động nhọc nhằn của tôi", nhà báo chia sẻ.