Trước tác động của Covid vào cuối tháng 1/2020, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực như giãn cách xã hội, phong tỏa để ngăn sự lây lan của Virus. Điều này khiến cho các hoạt động kinh tế dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, rạp chiếu phim,… thiệt hại nghiêm trọng. Ngược lại, các hoạt động kinh tế trực tuyến như thương mại điện tử và chương trình giáo dục trực tuyến tăng mạnh, các nhà hàng bắt đầu triển khai dịch vụ giao hàng tận nơi.

Đây là một dẫn chứng điển hình cho thấy công nghệ kỹ thuật số như nền tảng “Big Tech”, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây đã thay đổi nền kinh tế Trung Quốc như thế nào.

{keywords}
Thanh toán mã QR vô cùng phổ biến tại Trung Quốc. (Ảnh: Eastasiaforum)

Nền tảng thương mại điện tử đầu tiên của Trung Quốc, Alibaba Taobao, được ra mắt vào tháng 6/2003 trước khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đã ngăn chặn được dịch SARS. Tuy nhiên, lúc này mọi giao dịch trực tuyến vẫn hạn chế bởi số lượng người dùng máy tính bàn và kết nối 2G chưa nhiều, chưa kể công nghệ có phần lạc hậu vào thời đó.

Khi điện thoại thông minh kết nối Internet trở nên phổ biến, thương mại điện tử thực sự bùng nổ khi số lượng người mua sắm trực tuyến tăng “phi mã”. Tuy nhiên, Alibaba gặp một trở ngại lớn - đó là thanh toán trực tuyến. Sự thiếu tin tưởng giữa người mua và người bán khiến việc hoàn tất giao dịch trực tuyến trở nên khó khăn.

Vào cuối năm 2004, Alibaba tung ra Alipay, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động lớn nhất thế giới. Đến giữa năm 2019, Alipay đã có 1,2 tỷ người dùng. Theo Trung tâm thông tin mạng Internet Trung Quốc, tính đến tháng 6/2021, có hơn 872 triệu người dùng thanh toán kỹ thuật số tại Trung Quốc.

Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Alipay là WeChat Pay được ra mắt vào năm 2013. WeChat Pay đã thu hút một lượng lớn người dùng bằng cách giới thiệu lì xì điện tử trong dịp Tết Nguyên đán 2014. Đến giữa năm 2019, WeChat Pay có khoảng 900 triệu người dùng.

Thanh toán di động là sản phẩm công nghệ tài chính thành công nhất ở Trung Quốc, đóng vai trò to lớn đối với các hoạt động kỹ thuật số trong đại dịch Covid. Với smartphone và các mạng 4G/5G, người dân có thể tận hưởng dịch vụ thanh toán và tài chính khác ở mọi nơi. Một số nghiên cứu cho thấy, khi nông dân bắt đầu sử dụng dịch vụ thanh toán di động, cơ hội việc làm của họ sẽ mở rộng và thu nhập tăng lên.

Thanh toán di động mở ra cơ hội giúp những người bị bỏ lại bởi các tổ chức tài chính truyền thống. 

Ngày nay, các nền tảng thanh toán trực tuyến như AliPay và WeChat không chỉ còn là phương thức thanh toán nữa mà còn là “hệ sinh thái” toàn diện. Người dùng có thể tổ chức cuộc sống hàng ngày của họ trên các hệ sinh thái này: đặt khách sạn, gọi taxi, mua vé máy bay, đặt giao đồ ăn…

Một số công ty công nghệ lớn như Ant (chi nhánh fintech của Alibaba) và Tencent (công ty tạo ra WeChat), bắt đầu cung cấp tín dụng bằng cách phát triển một hệ thống quản lý rủi ro tín dụng Big Tech mới. Hệ thống bao gồm hai trụ cột: nền tảng Big Tech và đánh giá rủi ro tín dụng dữ liệu lớn.

Các nền tảng Big Tech của Trung Quốc như Taobao, Alipay và WeChat thu hút một lượng lớn khách hàng với chi phí thấp, tận dụng lợi thế của chiến lược “cái đuôi dài” (bán số lượng ít cho nhiều người thay vì bán số lượng lớn cho ít người) của nền tảng. Đồng thời, ghi lại hoạt động kỹ thuật số của khách hàng và tích lũy dữ liệu lớn nhằm theo dõi thời gian thực các hoạt động của khách hàng vay tiền tiềm năng, tạo đầu vào cho phân tích rủi ro tín dụng. Cuối cùng, họ cũng có thể giúp người dùng quản lý việc trả nợ.

Sự kết hợp giữa nền tảng Big Tech và đánh giá rủi ro tín dụng dữ liệu lớn cho phép các công ty Big Tech cấp tín dụng cho số lượng lớn cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), hầu hết trong số họ chưa bao giờ vay ngân hàng. Công ty cho vay MYbank đưa ra mô hình “3-1-0”, người dùng chỉ mất chưa đầy 3 phút để đăng ký trực tuyến, nếu được chấp thuận, số tiền được tự động chuyển vào tài khoản người đăng ký trong vài giây, không có sự can thiệp của con người. Bằng cách này, mỗi công ty cho vay lớn của Trung Quốc có thể cấp hơn 10 triệu khoản vay mỗi năm.

Tín dụng công nghệ lớn cũng đứng sau hoạt động kinh tế tương đối ổn định hơn của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Một đóng góp quan trọng cho sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính là loại bỏ cái mà cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Ben Bernanke gọi là ‘máy gia tốc tài chính’. Vì hầu hết các khoản vay DNVVN từ các ngân hàng thương mại đều được thế chấp nên có liên quan giữa giá tài sản và chính sách tín dụng.

Nghĩa là sự sụt giá nhẹ bất động sản có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính. Độ co giãn của tín dụng có tài sản đảm bảo của các ngân hàng thương mại đối với giá bất động sản trong nước là khoảng 0,6, tức là giá trị tài sản giảm 10% dẫn đến siết tín dụng là 6%. Các công ty Fintech không bị ảnh hưởng do cho vay dựa trên dữ liệu hơn là tài sản thế chấp. Độ co giãn của tín dụng MYbank đối với giá bất động sản trong nước là không đáng kể về mặt thống kê.

Công nghệ kỹ thuật số đang thay đổi nền kinh tế Trung Quốc, trở nên thuận tiện hơn, tăng hiệu quả, giảm chi phí, thay thế lao động và cải thiện trải nghiệm người dùng. Điều này đặc biệt quan trọng khi Trung Quốc có dân số già nhanh chóng. Trong nhiều lĩnh vực, robot và AI có thể thay thế lao động, giúp giảm bớt vấn đề thiếu hụt lao động.

Song quá trình chuyển đổi kỹ thuật số chỉ mới bắt đầu, cần nhiều thời gian để hiểu hết những hệ quả kinh tế của nó. Trong khi một số lợi ích là rõ ràng, công nghệ kỹ thuật số cũng tạo ra nhiều vấn đề cho các nhóm yếu thế. 

Thái Hoàng (Theo Eastasiaforum)                 

“Trồng lúa thông minh” giúp Trung Quốc đủ gạo cho 1,4 tỷ dân

“Trồng lúa thông minh” giúp Trung Quốc đủ gạo cho 1,4 tỷ dân

Ứng dụng các công nghệ vào sản xuất trồng lúa ở tỉnh Hắc Long Giang góp phần cung cấp đủ sản lượng gạo cho hơn 1,4 tỷ người dân Trung Quốc.