Trên cơ sở các cam kết quốc tế, để bảo vệ các lợi ích sống còn của nước Pháp, quân đội Pháp thực hiện 4 chức năng cơ bản: răn đe xâm lược, ngăn ngừa xung đột, viễn chinh và bảo vệ lãnh thổ. 

Theo Kế hoạch cải cách tổng thể giai đoạn 2015-2025, quân đội Pháp sẽ là quân đội chuyên nghiệp, có năng lực triển khai ở xa với sự yểm trợ và bảo đảm hậu cần liên hợp dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy liên quân. Pháp cũng huỷ bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự, chuyển sang thực hiện chế độ tình nguyện đối với thanh niên tham gia lực lượng vũ trang. 

Binh sĩ Pháp. Ảnh: Wikipedia

Biên chế 

Kết thúc việc thực hiện Kế hoạch, quân đội Pháp sẽ cắt giảm khoảng 30% quân số ở các quân, binh chủng. 

Lục quân cắt giảm 36% quân số và sẽ được tổ chức lại thành 4 lực lượng: thiết giáp, cơ giới, thiết giáp can thiệp nhanh và bộ binh tiến công. Lực lượng thiết giáp có sự cân đối giữa các phương tiện nặng và nhẹ, khả năng chi viện và cơ động đường không. 

Hải quân cắt giảm 19% quân số, chú trọng phát triển lực lượng đại dương chiến lược, có 1 cụm tác chiến tàu sân bay được trang bị lực lượng tàu ngầm hạt nhân tiến công. Cụm tác chiến tàu sân bay có thể gồm 2 tàu sân bay, trong đó, tàu sân bay Charles de Gaulle sẽ có 3 máy bay cảnh giới kiểu Hawkeye và 60 máy bay Rafale.

Không quân cắt giảm 24% quân số và đưa vào trang bị 300 máy bay hiện đại kiểu Rafale, có khả năng đảm nhiệm các nhiệm vụ thông thường cũng như hạt nhân, với thành phần chỉ huy-kiểm soát hiện đại và cơ động. 

Hiến binh, các nhiệm vụ truyền thống sẽ tăng lên và tham gia ngày càng nhiều vào việc bảo vệ lãnh thổ, vì vậy, biên chế sẽ tăng 5%.

Quân số

Quân đội Pháp năm 2015 có 502.460 quân và 74.900 nhân viên dân sự. Năm 2025, sẽ chỉ còn 352.700 quân và 81.300 nhân viên dân sự. Từng quân chủng được thay đổi như sau:

Lục quân, năm 2015, lực lượng thường trực có 239.100 quân và 32.400 nhân viên dân sự; biên chế thành 9 sư đoàn, 129 trung đoàn, được trang bị 927 xe tăng hạng nặng, 350 xe tăng hạng nhẹ, 340 trực thăng. Đến năm 2025, lực lượng thường trực còn 136.000 quân và nhân viên dân sự 34.000 người; tổ chức thành 4 lực lượng và biên chế thành khoảng 85 trung đoàn, được trang bị 420 xe tăng hạng nặng, 350 xe tăng hạng nhẹ và 180 trực thăng.

Một binh sĩ Pháp cầm súng trường FAMAS. Ảnh: modernfirearms.net

Hải quân, năm 2015 có 63.800 quân và 6.600 nhân viên dân sự; được trang bị 107 tàu chiến kể cả tàu ngầm hạt nhân, và 15 tàu hộ vệ với tổng trọng tải 314.000 tấn, cùng 33 máy bay tuần tiễu biển. Năm 2025 còn 45.500 quân và 11.000 nhân viên dân sự; được trang bị 81 chiến hạm (không kể tàu ngầm hạt nhân) trong đó có 1 hoặc 2 tàu sân bay được trang bị 3 máy bay báo động sớm Hawkeye, 6 tàu hạt nhân tiến công và 12 tàu hộ vệ, tổng trọng tải 234.000 tấn, có 22 máy bay tuần tiễu biển.

Không quân, năm 2015 có 89.200 quân và 4.900 nhân viên dân sự; với 405 máy bay chiến đấu, 86 máy bay vận tải, 11 máy bay tiếp tế C-135 FR, 101 trực thăng. Năm 2025 còn 63.000 quân và 7.000 nhân viên dân sự; với 300 máy bay chiến đấu hiện đại kiểu Rafale, 52 máy bay vận tải hiện đại, 16 máy bay tiếp tế, 84 trực thăng.

Hiến binh, năm 2015 có 92.230 quân và 1.220 nhân viên dân sự, tổng cộng là 93.450 người. Năm 2025 sẽ có 95.600 quân và 2.300 nhân viên dân sự, tổng cộng là 97.900 người.

Các ngành dịch vụ chung, năm 2015 có 18.130 quân và 29.780 nhân viên dân sự. Năm 2025 còn 12.600 quân và 27.000 nhân viên dân sự.

Trang bị

Vũ khí trang bị của quân đội Pháp sẽ phát triển theo hướng hiện đại, đa năng... Đáng chú ý, đến năm 2025 sẽ được trang bị vệ tinh tình báo Helios 2; vệ tinh truyền thông Syracuse 3; hệ thống thông tin và chỉ huy Sica; xe tăng Leclerc nâng cấp; trực thăng chiến đấu Tigre; trực thăng NH-90; tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa thế hệ mới và tên lửa M-51; tàu frigate Horizon; tên lửa hành trình Scalp-emploi général; radar định vị Cobra; hệ thống chỉ huy và điều khiển hoạt động trên không SCCOA…

Như vậy, đến năm 2025, quân đội Pháp sẽ được cải cách thể chế, biên chế theo hướng tinh gọn, hiện đại, đa dụng về tổ chức và trang bị vũ khí, nhằm tăng cường khả năng cơ động, hiệu qủa tác chiến của các lực lượng quân sự, trong đó ưu tiên phát triển không quân và hải quân.

Nguyên Phong