Nhạc sĩ Y Phôn K'Sơr cầm đàn guitar hát những bản nhạc ông sáng tác về Tây Nguyên trước hiên nhà. Ảnh: Xuân Ngọc.

Người đi tìm cảm hứng sáng tác

Nắng chiều ngày cuối năm len lỏi qua tán lá dưới hiên nhà, gió se se lạnh, Y Phôn K’Sơr mặc quần jeans, áo ấm ngồi ôm đàn guitar hát trước sân nhà ở TP Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Tiếng hát văng vẳng: “Cha đi lượm quả ngọt, cho con đỡ đói qua đêm. Cha đi lượm hạt thóc, cho con một bát cơm chiều” làm tôi có chút bâng khuâng khó tả.

Bài hát Đôi chân trần được Y Phôn sáng tác năm 1995 - một trong những ca khúc rất riêng biệt của núi rừng được nhiều ca sĩ trẻ Tây Nguyên thể hiện nhưng khi được nghe chính tác giả hát, tôi thực sự xúc động và ấn tượng.

Clip cố NSND Y Moan hát ''Đôi chân trần'':

Y Phôn K’Sơr kể rằng trong một buổi chiều muộn tháng 4/1995, ông cùng cố NSND Y Moan và ca sĩ Y Jack Arul mang theo đàn lang thang đại ngàn, tìm cảm hứng cho âm nhạc. Tới một buôn nghèo của huyện Krông Năng (Đắk Lắk), họ bắt gặp một cụ ông trở về nhà sau một hôm vào rẫy. Nắng chiều chưa tắt, cụ ông với làn da ngăm đen, dáng đi khắc khổ, mang đậm bản sắc người bản xứ, trên miệng ngậm điếu thuốc xuất hiện.

Vốn là người thích hút thuốc lá, ca sĩ Y Moan liền tới bắt chuyện, hỏi mượn bật lửa. Hai người đứng nói về buôn làng, về con người nơi họ sống. Còn Y Phôn K'Sơr và ca sĩ Y Jack Arul lắng nghe, thi thoảng đáp lại đôi câu rồi rời đi.

Sau cuộc trò chuyện với ông lão tình cờ gặp ở huyện Krông Năng, Y Phôn K'Sơr bên cạnh hình ảnh ấn tượng cụ ông với đôi chân trần, dáng đi trông khắc khổ hiện lên trong đầu thì nỗi nhớ cha mẹ cùng những người dân quê nhà khiến ông không ngừng thổn thức. Những ca từ cứ ùa về, văng vẳng trong đầu.

''Tôi muốn quên đi. Tháng với ngày. Cha đi lượm quả ngọt rừng. Cho con đỡ đói qua đêm... Lời hát lần đầu được cất lên, nước mắt tôi trào ra bởi vô vàn cảm xúc lẫn lộn về cha mẹ, quê hương”, nhạc sĩ nhớ lại.

Y Phôn K'Sơr kể về những kỷ niệm cùng cố NSND Y Moan. Ảnh: Xuân Ngọc.

Sau đó, khi nghe nhạc sĩ chia sẻ về lời ca Đôi chân trần, Y Moan tỏ ra hào hứng yêu cầu được thể hiện. “Chỉ vài phút, anh ấy đã thuộc lời bài hát, rồi giọng hát đầy nội lực vang lên”, Y Phôn kể. Cũng từ đó, qua giọng ca của NSND Y Moan, bài hát Đôi chân trần được cộng đồng đón nhận, lan tỏa.

Ca khúc này chỉ là một trong vô số cảm xúc của người nhạc sĩ phố núi gửi gắm qua lời ca, tiếng hát. Cuộc đời sáng tác của ông còn có một số bài hát nổi tiếng khác như Chim phí bay về cội nguồn, Đi tìm lời ru mặt trời. Mỗi ca khúc là một cung bậc cảm xúc, một trải nghiệm rất riêng của Y Phôn trên chuyến hành trình nghệ thuật ấy.

Hành trình tìm nguồn sống

Y Phôn sinh ra trong một gia đình đông con ở buôn Dlei Yang, nơi có ngọn núi Dlei Yang, khởi nguồn của con sông Ea H’leo chảy giữa trái tim Tây Nguyên. Tuổi thơ ông gắn liền với thảo nguyên, văn hóa cội nguồn Tây nguyên.

Mẹ ông là nghệ nhân thổi đing put. Cha là người chơi chiêng có tiếng ở huyện Ea H’leo, Đắk Lắk. Năm lên 7 tuổi, Y Phôn đã biết chơi đàn goong một cách thuần thục. 11 tuổi, ông đã theo cha biểu diễn cùng dàn cồng chiêng của buôn, đi khắp trong vùng. Tình yêu âm nhạc được hun đúc theo thời gian, ở tuổi 15, mỗi ngày trên nương trở về, Y Phôn ôm đàn biểu diễn cùng cha trong ngôi nhà sàn, bên bếp than đỏ lửa…

Nhạc sĩ Y Phôn K'Sơr làm việc tại nhà riêng ở Đắk Lắk. Ảnh: Xuân Ngọc.

Tưởng rằng con đường nghệ thuật của Y Phôn sẽ trải đầy hoa hồng, nhưng không. Y Phôn có thời điểm quyết định tạm ngừng nghệ thuật về quê lo cho gia đình. Những năm 1990, có giai đoạn ông phải về làm rẫy phụ gia đình và hỗ trợ em gái nuôi những đứa cháu.

Và cũng trong thời gian được xem là độ chín của nghề, Y Phôn đã cho ra đời bài hát đầu tay của ông sáng tác là Lời ru mùa lúa. Lời ca khúc chính là tâm sự của người nhạc sĩ về quê hương, về những lam lũ vất vả mà bà con trong buôn làng phải mặt… Tuy vậy, năm 1992, khi tham dự trại sáng tác âm nhạc khu vực Tây Nguyên, được trình làng ca khúc Chim Phí bay về cội nguồn, mọi người mới biết tới Y Phôn.

Khoảng thời gian này, Y Phôn chuyển công tác tới Đoàn ca múc dân tộc Đắk Lắk, hát bè cho Y Moan. Ở đây, ông tiếp tục sáng tác, rồi cho ra đời bài Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời. Ca khúc ngay lập tức tạo tiếng vang bởi chất nhạc, ca từ của nó đậm chất núi rừng, âm hưởng Tây Nguyên. 

Ca khúc sau đó được Y Moan thể hiện. Tới lúc ca sĩ Jack Arul cất giọng hát bài này thì anh được giới yêu nhạc cả nước biết đến. Đặc biệt, tại Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1997, ca sĩ Y Jack Arul đã khiến nhiều người mê đắm khi cất lên câu hát: “Một mình lang thang trên đất này. Một mình qua sông, qua núi đồi. Theo dấu chân cha ông ngàn đời”.

Có nhiều người ví von các ca khúc do Y Phôn sáng tác có âm hưởng trữ tình và sâu lắng. Từng lời ca của ông đều gửi gắm cái tình, nỗi hoài nhớ về một vùng đất xưa cũ, nơi có những ông già đi chân trần để mang về từng hạt thóc cho đàn con thơ. Hay cả những hình ảnh con suối, con thú hoang sao mà thật đến thế. Nhưng ít ai biết rằng để miêu tả trọn vẹn vùng đất ấy, người nghệ sĩ phải đủ yêu, đủ thương, đủ trải nghiệm mới thể hiện trọn vẹn cảm xúc trong lời hát.

Gia đình của nhạc sĩ Y Phôn tại đám cưới con gái đầu của ông. Ảnh: NVCC.

Thành công trong việc viết nhạc, Y Phôn ngoài đời còn là người may mắn khi có người vợ chia sẻ và ủng hộ đam mê của chồng. Vợ ông, bà H’Nhat Kpă tốt nghiệp Đại học Văn hóa Tây Nguyên, sau đó làm giảng viên âm nhạc. Họ gặp nhau rồi bén duyên từ lần gặp đầu tiên. Năm 1997, họ kết hôn và sinh 2 con. 

Ông tự hào vì từ bé tới khi lớn lên, 2 con đều chăm ngoan, có ý chí cầu tiến. Con gái tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý tài nguyên môi trường, đã có gia đình riêng. Con trai ông thi đỗ Đại học Bách khoa Đà Nẵng. “Trên giảng đường, con trai thấy bản thân yêu âm nhạc, nên dừng việc học, theo con đường ca hát. Tôi tôn trọng và để con phát triển theo mong muốn của bản thân”, ông nói.

Y Phôn chia sẻ, công việc cũng như việc sáng tác không mang lại quá nhiều về kinh tế nên cuộc sống cũng chật vật. Bản thân ông có những lúc tự trách mình đã để vợ con vất vả. “Có những lúc tôi muốn bỏ nghề nhưng vợ phát hiện, động viên làm hậu phương để tôi có động lực đeo đuổi đam mê của mình”, Y Phôn chia sẻ.

Từ cuối năm ngoái, Y Phôn thôi giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk và chính thức về hưu. Thi thoảng ông vẫn đi hát để có thêm thu nhập. Tình yêu với âm nhạc trong ông chưa bao giờ thay đổi. Điều ông mong mỏi là những tượng đài như cố ca sĩ Y Moan mất đi nhưng sẽ hóa bóng thông già để nuôi dưỡng, che chở và phát huy tình yêu âm nhạc của thế hệ sau.