Nguồn vốn “khủng” này đang được Chính phủ trình Quốc hội xét duyệt huy động từ 2 doanh nghiệp hàng không lớn nhất Việt Nam.
Thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (CHK).
Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Chính phủ trình duyệt, trong đó có việc chấp thuận hình thức đầu tư CHK quốc tế Long Thành.
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4,7 tỷ USD |
Trong báo cáo này, Chính phủ đề xuất giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước.
“ACV sẽ trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp các công trình thiết yếu của cảng hàng không. Đối với các công trình dịch vụ, ACV được giao hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Riêng hạng mục các công trình phục vụ quản lý bay, Chính phủ đề xuất giao cho Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.” - báo cáo của Chính phủ đề xuất.
Về tổng mức đầu tư, báo cáo của Chính phủ cho hay, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 111.000 tỷ đồng, tương đương hơn 4,7 tỷ USD. Trong đó, ACV cần huy động hơn 98.000 tỷ đồng, tương đương gần 4,2 tỷ USD. VATM cần huy động hơn 3.200 tỷ đồng.
Được biết, ACV đã tích lũy được lượng tiền mặt là 24.268 tỷ đồng; trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng. Như vậy, ACV đã bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỷ đồng, tương đương hơn 1,5 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư. Số vốn ACV phải đi vay khoảng hơn 2,6 tỷ USD.
Với VATM, doanh nghiệp này đã cân đối được được khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Số còn lại VATM dự kiến sẽ vay vốn thương mại của ngân hàng trong nước khoảng 1.100 tỷ đồng, với lãi suất tính toán dự kiến là 11%/năm.
ACV và VATM là hai doanh nghiệp lớn nhất ngành hàng không được đề xuất đứng ra đầu tư xây dựng sân bay Long Thành |
Cũng trong báo cáo này, Chính phủ đề xuất với Quốc hội về việc điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165ha lên khoảng 1.810ha. Điều chỉnh 1.050ha đất dành cho quốc phòng, trong đó 570ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480ha đất dùng chung giữa quốc phòng với dân dụng.
Sự điều chỉnh này dựa trên cơ sở lập báo cáo FS, tư vấn đã kiến nghị mở rộng phạm vi xây dựng giai đoạn lên 1.810ha để xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu khai thác tối thiểu giai đoạn 1 của cảng như: kho giao nhận hàng hóa, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, hệ thống công trình dẫn đường hàng không, khu vực điện năng lượng mặt trời, khu diễn tập phòng cháy, chữa cháy, các hồ điều hòa đảm bảo thoát nước…
Trong FS, tư vấn cũng đề nghị bổ sung diện tích phần san lấp mặt bằng cho đường cất hạ cánh số 2 (theo cấu hình đóng) và đường lăn kèm theo nhằm đảm bảo thuận lợi cho quá trình xây dựng đường cất hạ cánh số 2 trong các giai đoạn tiếp theo. Nếu không san lấp mặt bằng trước, khi triển khai xây dựng đường cất hạ cánh này sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác dự án giai đoạn 1 vì không có đường vào để thi công.
(Theo Dân trí)