Bàn về giải pháp để có thẻ bảo vệ trẻ em tránh được những tác động tiêu cực, rủi ro từ môi trường internet, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ: chúng ta đều biết rõ rằng, những nguy cơ xâm hại và thực tế xâm hại trẻ em trên môi trường mạng là có thực.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh, quy định về pháp luật của chúng ta đã có trong Luật Trẻ em. Và ngay tại Luật An ninh mạng vừa mới được Quốc hội thông qua vào đầu tháng 6 vừa qua, Điều 29 đề cập đến vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó nêu rõ, trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.

{keywords}
“Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động” Ảnh minh họa.

Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, chúng ta cần rất nhiều kỹ năng: cần có kiến thức và nhận thức, trước hết là với chính trẻ em. Các em cần được trang bị những kỹ năng, kiến thức để trở thành công dân của thế giới số, không gian mạng. Ngay từ nhỏ, các em cần được hướng dẫn những kỹ năng để truy cập vào môi trường mạng một cách an toàn, giúp các em trở thành người tham gia vào môi trường mạng và tự bảo vệ chính mình. Điều này đòi hỏi một quá trình lâu dài, giống như tự nhận thức, để những kiến thức đó trở thành kỹ năng sống cho các em.

Muốn làm được điều này, phải bắt đầu từ trong nhà trường, từ những hoạt động xã hội thông qua các tổ chức như Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh... để làm sao rèn luyện cho các em có những kỹ năng đó. Bởi vì, ngay cả nhiều người lớn cũng không biết hết được kỹ năng tự bảo vệ mình, cách tạo môi trường an toàn cho cá nhân trên không gian mạng.

Môi trường mạng là không gian cung cấp kiến thức và thông tin rất tốt cho các em. Đấy chính là một công cụ hữu ích giúp cho con người, trong đó có trẻ em, thực hiện phương châm học tập suốt đời của mình, học hỏi không ngừng, tiếp cận những giá trị tri thức của nhân loại. Vai trò của nhà trường rất quan trọng. Bên cạnh giáo dục cho các em những kiến thức phổ thông trên sách vở, nhà trường cần giáo dục học sinh có kỹ năng học và tự bảo vệ mình trong không gian mạng.

Tiếp đó là vai trò của cha mẹ. Tôi biết, có những bậc cha mẹ cũng gặp những khó khăn nhất định so với trẻ em, vì thực tế cho thấy, cha mẹ thường không rành công nghệ số, kỹ năng mạng bằng chính con em của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải tìm hiểu, trở thành người bạn của con để làm sao chia sẻ với con những vấn đề khó khăn sẽ gặp phải trên môi trường mạng. Cha mẹ cũng cần trở thành người đồng hành với các em trên môi trường mạng, giúp các em giải quyết những khó khăn trong thực tế cuộc sống.

"Đừng nghĩ rằng cha mẹ phải thông thạo kiến thức trên môi trường mạng mới giúp được con em mình. Thực tế là, để giải quyết những vấn đề trên môi trường mạng, đôi khi có thể tận dụng những kinh nghiệm sống từ thực tiễn cuộc sống của mình. Với kinh nghiệm sống của mình, các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con em mình giải quyết những vấn đề có thể gặp phải trên môi trường mạng", ông Hoa Nam nhấn mạnh.

Trần Thường (ghi)