Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế ước thực hiện năm 2016 là 10.467,3 tỷ đồng. Trong đó riêng chi cho bộ máy các cấp là hơn 4.100 tỷ đồng.

Theo một báo cáo mới nhất của Chính phủ về tình hình quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, Chính phủ cho biết: Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế ước thực hiện năm 2016 là hơn 10.400 tỷ đồng (bao gồm cả chi đầu tư xây dựng cơ bản), tăng hơn so với năm 2015.

{keywords}
Riêng chi "nuôi" bộ máy quản lý bảo hiểm xã hội các cấp là hơn 4.100 tỷ

Trong đó chi phí cho quản lý bảo hiểm xã hội chiếm nhiều nhất với hơn 6.400 tỷ đồng, tiếp đến là chi cho quản lý bảo hiểm y tế hơn 3.500 tỷ đồng, thấp nhất là chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp hơn 427 tỷ đồng.

Trong tổng số hơn 10.400 tỷ chi quản lý bảo hiểm xã hội, chi cho bộ máy quản lý chiếm nhiều nhất.

Cụ thể, chi hoạt động bộ máy của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an, các đơn vị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được giao thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm là hơn 4.100 tỷ đồng chiếm 39,6% tổng chi. Trong đó, chi cho lương, phụ cấp cho công nhân viên chức, người lao động làm công tác bảo hiểm chiếm phần lớn với gần 2.300 tỷ đồng.

Năm 2016 Bảo hiểm xã hội cũng đã chi hơn 900 tỷ đồng cho hoạt động chi không thường xuyên. Số tiền này dùng để thực hiện một số nhiệm vụ như: Đào tạo, nghiên cứu khoa học; đóng niên liễm, tinh giản biên chế, điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức, thuê trụ sở làm việc; chi hiện đại hóa cơ sở vật chất trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác.

Trong tổng số chi cho quản lý là hơn 10.400 tỷ, chi hoạt động đặc thù phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia và hưởng chính sách, tổ chức thu chi là khoảng 3.590 tỷ đồng, chiếm 34,3% tổng số chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Những khoản chi trong hạng mục này đều tăng so với năm 2015.

Trong đó, chi tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật ước là 350 tỷ đồng, tăng 50 tỷ so với năm 2015; Chi cải cách thủ tục hành chính, giao dịch điện tử tăng để rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết là 277 tỷ đồng, tăng 41,9 tỷ đồng so với năm 2015; Chi hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế tăng do mức chi hỗ trợ tăng từ 1.500 đồng/người lên 5.000 đồng/người. ..

Trong tổng số hơn 10.400 tỷ chi quản lý bảo hiểm xã hội, số chi dành cho ứng dụng công nghệ thông tin là hơn 1.200 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển là 1.500 tỷ đồng.

“Như vậy, số chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế năm 2016 tăng so với năm 2015 chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, hiện đại hóa hệ thống quản lý và phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Năm 2017, dự kiến chi phí quản lý cho bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam lên tới 11.688 tỷ đồng. Trong đó, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội là 7.246 tỷ đồng, chi phí quản lý bảo hiểm y tế là 3.947 tỷ đồng và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp là 495 tỷ đồng.

Hà Duy