Hệ thống quá cảnh ASEAN (ACTS) được Đội ngũ Quản lý Trung tâm ACTS (trụ sở tại Ban thư ký ASEAN, Indonesia) quản lý, đồng thời nhận hỗ trợ từ Chương trình ARISE Plus (tài trợ bởi EU). Tổng Giám đốc Hợp tác và Phát triển Quốc tế tại Ủy ban châu Âu, ông Koean Doens nhận định, "Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) là thành tựu đáng ghi nhận, chứng minh cho mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, năng động và lâu dài giữa các thành viên ASEAN và Liên minh châu Âu".

{keywords}
Ảnh minh họa

Hiện nay, Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN đã chính thức được triển khai tại 6 nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Theo kế hoạch, năm nay, hệ thống sẽ được triển khai tại Myanmar, và có khả năng mở rộng sang Brunei, Indonesia và Philippine tùy vào nhu cầu kinh doanh.

Tuy nhiên, hệ thống mới chỉ hỗ trợ vận tải đường bộ. Trong tương lai, dự kiến Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN sẽ hỗ trợ vận tải đa phương bao gồm: đường sắt, đường thủy nội địa, kết nối với các phương thức vận tải đường biển và đường hàng không thông qua khai báo thông tin trước đi đến.

Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN được xây dựng nhằm giúp giảm bớt các thách thức thương mại nội khối và cho phép các doanh nghiệp hưởng lợi đầy đủ từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng như từ việc vận chuyển hàng hóa tự do trong toàn khu vực.

Năm 2017, các bộ trưởng kinh tế ASEAN đã đặt ra mục tiêu kép là giảm 10% chi phí giao dịch thương mại đến năm 2020 và tăng gấp đôi giao dịch nội khối ASEAN từ năm 2017 đến năm 2025. Để thực hiện mục tiêu này, ACTS đã được phát triển, cho phép các doanh nghiệp gửi các tờ khai quá cảnh điện tử trực tiếp đến các cơ quan hải quan ASEAN và theo dõi việc vận chuyển hàng hóa từ khi chất hàng tại cảng đi cho đến khi giao hàng tại cảng đến.

Vì vậy, các nhà quản lý đánh giá, việc triển khai Hệ thống quá cảnh ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa thông suốt trong khu vực.

Văn Lợi