- Tôi cho một người vay khoản tiền 82 triệu đồng được chia làm nhiều đợt. Mỗi đợt cho vay tôi đều làm giấy xác nhận nợ và yêu cầu người đó kí vào. Tuy nhiên quá thời gian trả nợ, tôi đã đòi rất nhiều lần nhưng họ chây ì không chịu trả. Thậm chí, tôi thấy họ ăn nên làm ra, kiếm được nhiều tiền mua cả ô tô mà không chịu thu xếp trả tiền cho tôi.

Tôi đã dùng nhiều hình thức để đòi, từ gọi điện, nhắn tin, thậm chí gặp mặt. Tuy nhiên lần này đòi, nếu anh ta không chịu trả, tôi định viết và đăng những chứng từ tôi đang giữ trên facebook của tôi cho mọi người biết vì chúng tôi có nhiều bạn bè chung trên facebook. Tôi cũng định thông báo trước cho anh ta việc này.

Mục đích tôi chỉ muốn đòi tiền chứ không muốn làm mất danh dự của người ta. Tôi chỉ đưa tất cả những giao dịch mượn nợ của anh ta thôi có được không thưa luật sư?

Dùng Facebook để đòi nợ có được không? (Ảnh minh họa)

Theo như những thông tin bạn đưa ra, luật sư xin tư vấn cho vấn đề này như sau:

Trước tiên, cần xác định việc viết và đăng những chứng từ giao dịch cho vay của bạn với người vay là việc bạn đang sử dụng quyền tự do ngôn luận của bạn. Đây là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật hiện hành. 

Khi đăng các thông tin lên facebook, tag người vay vào bài viết của bạn nghĩa là bạn đang sử dụng mạng xã hội, cung cấp, chia sẻ và trao đổi các thông tin với mọi người. Và bạn phải tự chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền và phát tán thông tin trên mạng xã hội theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị Định 72/2013/NĐ-CP quy định về Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Và hiện nay theo quy định của pháp luật cũng không có quy định nào cấm hành vi đăng thông tin lên mạng xã hội nhằm mục đích đòi nợ. Đây là một hành vi sử dụng áp lực từ dư luận để yêu cầu người vay bắt buộc phải trả nợ.

Tuy nhiên, việc đăng thông tin lên mạng xã hội cần phải lưu ý một số vấn đề sau để tránh vi phạm pháp luật.

Theo Điều 20 Hiến pháp 2013, Điều 34 Bộ Luật Dân sự 2015 thì con người được Nhà nước bảo hộ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin có ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Việc bạn muốn đăng những hình ảnh liên quan đến Hợp đồng vay tiền giữa bạn và người vay lên mạng xã hội với mục đích đòi nợ nhưng không muốn làm mất danh dự của người vay là rất khó. Vì khi những hình ảnh đó đăng trên mạng xã hội thì sẽ có rất nhiều người biết, dù muốn hay không cũng sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người vay. Sẽ rất khó khăn để có thể xác định bạn không có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người đó. Nếu không cẩn thận khi sử dụng lời nói, câu chữ khi đăng tin đòi nợ thì tùy theo mức độ đánh giá về xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác mà có thể bạn sẽ bị xử phạt 100.000 đến 300.000 ngàn đồng về hành vi Vi phạm trật tự công cộng theo Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 hoặc nếu đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ phạm tội Làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009.

Hơn nữa, những thông tin bạn đưa ra phải là sự thật khách quan, không được sử dụng thông tin sai sự thật để đăng lên mạng xã hội với mục đích đòi nợ vì đây là hành vi bị cấm theo Điểm d Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng hoặc có thể bị phạm vào tội Vu khống theo Điều 122 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý khi bạn và người đó kí Hợp đồng vay tiền với nhau có các điều khoản về bảo mật hay không? Vì nếu trong Hợp đồng có ghi nhận điều khoản đó thì mặc dù người vay vi phạm điều khoản thanh toán thì bạn cũng không nên vi phạm Hợp đồng, đưa các thông tin lên mạng xã hội. Việc đó cho thấy sự không chuyên nghiệp trong cách ứng xử kinh doanh cũng như nếu đưa ra pháp luật, bạn sẽ không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tuyệt đối do bạn cũng vi phạm hợp đồng.

Việc bạn thông báo cho người vay về việc sẽ đăng tất cả các giao dịch mượn nợ lên mạng xã hội nếu như người đó không trả nợ cũng không có giá trị pháp lý hay bảo vệ bạn một khi có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Theo Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015, khi quyền dân sự của cá nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Tóm lại, bạn có thể đăng thông tin lên Facebook thì phải khách quan, đúng sự thật giao dịch giữa 2 bên, đồng thời có cơ sở chứng minh được trong giao dịch vay mượn tiền này không có ràng buộc về bảo mật. Ngoài ra bạn đã cố gắng mọi cách tự bảo vệ như gọi điện, nhắn tin, gặp mặt nhưng người vay vẫn chưa chịu trả tiền thì cách tốt nhất là kiện lên tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi đã có bản án có  hiệu lực của tòa án thì sẽ được thi hành án bởi cơ quan thi hành án dân sự. Chỉ có như vậy mới bảo vệ quyền lợi của bạn tốt nhất mà cũng tránh được những vi phạm có thể xảy ra nếu đăng tin lên mạng xã hội.

Tư vấn bởi luật sư Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc