Tổng thống Putin ngày 5/8 đã ra lệnh cho chính phủ của ông đề ra một biện pháp mang tính chất kinh tế đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang thực hiện lời thề của Nga trả  đũa đau đớn các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngày 5/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho chính phủ nước này đề ra biện pháp mang tính chất kinh tế để đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Các biện pháp chưa được công bố nhưng theo một số hãng thông tấn nước ngoài Chính phủ Nga đã đề xuất một số biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt vừa được chính quyền Tổng thống Mỹ Obama và các nước EU đưa ra hồi cuối tháng qua sau vụ máy bay dân sự Malaysia MH17 được cho bị bắn rơi tại miền đông Ukraine với cáo buộc cho rằng Nga hậu thuẫn quân ly khai ở khu vực đầy bất ổn này.

Mục tiêu của các biện pháp đang được xem xét này là để trả đũa phương Tây  nhưng vẫn đảm bảo hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước và không gây trở ngại cho các khách hàng.

{keywords}

Ông Putin muốn Nga "thận trọng" đáp trả lệnh trừng phạt của Phương Tây. (Ảnh: Itar Tass)

Trước đó, ngày 28/4, Nga thề sẽ đưa ra một phản ứng "đau đớn" nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với 7 quan chức hàng đầu và 17 công ty của Nga nhằm vào lợi ích kinh tế để trừng phạt lập trường của Tổng thống Vladimir Putin về Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khi đó cho biết, Nga chắc chắn rằng sự đáp trả này sẽ có tác động đau đớn với Washington và khẳng định Nga có rất nhiều lựa chọn.

Thông tin mới nhất từ Reuters cho thấy, Nga có thể áp đặt hạn chế hoặc một lệnh cấm nhằm vào những hãng hàng không châu Âu đang khai thác các đường bay qua Siberia. Động thái này, nếu được thực hiện, sẽ làm tăng giá vé các chuyến bay của các hãng châu Âu tới châu Á. Các hãng hàng không châu Âu như Air France, Lufthansa, British Airways… sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi phải bay đường vòng đến các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Biện pháp này được xem là bước đi đầu tiên Nga trả đũa sau khi Mỹ và EU áp đặt lệnh cấm bay lên hãng hàng không giá rẻ Dobrolet của Nga và máy bay cá nhân của tỷ phú người Nga Gennady Timchenko. Những đánh giá ban đầu cho thấy, 3 hãng hàng không của châu Âu trên có thể mất 1,3 tỷ USD chỉ trong ba tháng nếu Nga áp đặt lệnh cấm.

Trước đó, ngày 28/4, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với bảy quan chức và 17 công ty của Nga có liên quan đến nhóm thân cận của Tổng thống Vladimir Putin nhằm trừng phạt về điều mà Washington coi là hành động khiêu khích tại Ukraine. Trong số những người là mục tiêu trừng phạt của Mỹ có Phó Thủ tướng Nga Dmitry Kozak và chủ tịch công ty Rosneft Igor Sechin.

Cùng ngày, EU nhất trí áp đặt biện pháp trừng phạt với 15 quan chức khác của Nga và Ukraine do vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Những người này sẽ phải chịu lệnh cấm cấp thị thực và phong tỏa tài sản giống như hơn 50 người khác.

Trước đó, hồi đầu tháng 4, ông Sergei Glazyev, cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuyên bố trong trường hợp EU tiến hành biện pháp trừng phạt chống Nga, chính bản thân châu Âu sẽ hứng chịu thiệt hại khổng lồ với thiệt hại có đạt tới mức 1.000 tỷ euro.

Văn Minh