Đã từ lâu, rác thải nhựa vẫn luôn là mối lo ngại tới sức khỏe con người lẫn môi trường. Hằng năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, phần lớn trong số đó là có túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Ô nhiễm rác thải nhựa (ô nhiễm chất dẻo) là hiện tượng tích tụ các đồ nhựa trong môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, sức khỏe con người và động vật.

Khái niệm “ô nhiễm trắng” có lẽ còn khá xa lạ với nhiều người, tuy nhiên đây là cụm từ được các nhà khoa học dùng để gọi tên loại ô nhiễm do túi nilon gây ra cho môi trường.

W-racthai.png
Ảnh minh hoạ

Rác thải nhựa dùng một lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất khó phân hủy. Ngay cả khi được chôn lấp vào bùn đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm. Đơn cử theo thông tin từ báo Môi trường & Đô thị thì: chai nhựa phân hủy sau 450 năm – 1000 năm; ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100 năm – 500 năm; bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm…

Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi đất và cả môi trường nước:

Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư,…

Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Điều này làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy qua đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật,…

Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất. Ngoài đại dương, các loài động vật khi ăn phải rác thải nhựa có thể chết, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái. Rác thải nhựa còn là tác nhân gây ra tình trạng “ô nhiễm trắng” tại các điểm du lịch, ảnh hưởng đến không gian nghỉ ngơi và thư giãn của con người.

Bởi vậy, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức kêu gọi và hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa bằng rất nhiều cách.

Tại Việt Nam, phong trào Chống rác thải nhựa đã được phát động từ năm 2018 bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương, cũng như toàn xã hội đã cùng chung tay tham gia vào phong trào này. Đẩy mạnh khâu tuyên truyền và thuyết phục người dân hạn chế dùng đồ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa một lần; Khuyến khích sử dụng đồ dùng nhiều lần, đồ có nguồn gốc thiên nhiên như tre, sậy, lá chuối thay thế cho đồ nhựa; Kêu gọi người dân vất rác đúng nơi quy định, chủ động phân loại rác ngay từ nguồn; Phát động phong trào kêu gọi người dân chung tay dọn rác; Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho nhựa.

Mục tiêu của phong trào nhằm nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về vấn đề tiêu dùng và quản lý chất thải nhựa, đồng thời thúc đẩy các biện pháp cụ thể để giảm thiểu sự phát sinh, thu gom, và xử lý chất thải nhựa một cách hiệu quả.